Nói to, la hét, dùng điện thoại âm lượng lớn... là những thói quen của nhiều trẻ khi đến nơi công cộng. Theo chuyên gia, giúp trẻ giảm tiếng ồn, giữ trật tự cũng là nét đẹp văn minh cần được chỉ bảo từ nhỏ.
Nếu con bạn cư xử ngoan ngoãn ở nhà, trẻ sẽ có thái độ tốt hơn ở nơi công cộng. Ảnh minh họa
“Trẻ con biết gì đâu”
Nhà báo Lê Phương Dung, Truyền hình QĐND từng chia sẻ, chị phát sợ mỗi khi đi ăn uống mà phải ngồi cạnh những gia đình có con cái thường la hét.
“Tôi thực sự mệt mỏi và ức chế khi ngồi ăn trong quán mà bàn bên là gia đình có con nhỏ. Trẻ em la hét, gào thét rồi khóc lóc inh ỏi. Con nói to thì bố mẹ cũng phải gào theo. Đến khi không “đọ” được âm lượng nữa thì mặc kệ hoặc thản nhiên ngồi ăn uống tận hưởng khi con mình còn đang nháo nhào phá phách khắp nơi. Thậm chí, có cha mẹ còn tặc lưỡi “trẻ con biết gì đâu”, cho ra ngoài để nó thoải mái, mắng mỏ làm gì”, …
Nhà báo Lê Phương Dung cũng chia sẻ thêm, xung quanh nơi ở tại Thủ đô Hà Nội, nhiều gia đình hát karaoke rất lớn, trong đó có cả trẻ nhỏ cũng tham gia đến 10 giờ mỗi đêm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến người xung quanh.
Tuy là mùa dịch Covid-19, học sinh được nghỉ nhưng nhiều trẻ phải học online buổi tối, các con không thể nào tập trung được vì tiếng ồn của nhà hàng xóm. Về nhà chỉ muốn được nghỉ ngơi, thư giãn nhưng lúc nào chị cũng phải đóng kín cửa cho đỡ ồn ào.
Nhà báo Lê Phương Dung cho rằng, câu chuyện mất trật tự nơi công cộng ngày nay không hiếm. Điều này thật đáng tiếc, bởi xã hội ngày càng hiện đại thì lẽ ra con người ngày càng nên văn minh. Không chỉ các em nhỏ, nhiều thanh niên, người trưởng thành cũng thường “làm phiền” như trò chuyện quá to, hò hét, nghe nhạc không dùng tai nghe. Thậm chí là thản nhiên trả lời điện thoại bật loa ngoài trong rạp chiếu phim…
“Trong một lần đi ăn, gia đình bàn bên cạnh cho trẻ dùng điện thoại để con ngồi ngoan một chỗ. Tuy nhiên, trẻ bật âm lượng hết cỡ, làm những người xung quanh cũng phải nói chuyện to hơn mới nghe được. Những bàn kế tiếp cũng thành phản xạ, phải nói to thêm chút… Cứ như vậy, ở trong một nhà hàng với mong muốn thư giãn, chuyện trò ăn uống vui vẻ mà tôi không thể chịu nổi bởi tiếng ồn đan xen” – chị Dung chia sẻ.
Chưa kể đến, những lần đi siêu thị chị cũng gặp trường hợp trẻ em la hét inh ỏi. Thậm chí đuổi nhau khắp các gian hàng rồi khóc lóc um xùm vì tranh giành đồ đạc. Nhiều trẻ bực tức còn ném hết đồ xuống đất lăn ra vừa giãy vừa hét. Những hành động đó sẽ làm những người xung quanh khó chịu và thậm chí ngay chính bố mẹ của bé cũng bực bội, cáu gắt.
Tuy thế, vẫn có nhiều ông bố, bà mẹ trẻ nghĩ rằng, đó chỉ là chuyện hết sức bình thường bởi con mình còn nhỏ. Vậy đến lúc nào trẻ mới cần được dạy cách ứng xử văn minh nơi công cộng?
Chị Dung cũng cho biết thêm: “Nhìn con hàng xóm để rút ra bài học dạy con mình. Bởi bản thân mình thấy phiền thì càng cần tránh để không làm phiền đến người khác. Chính vì vậy, tôi thường nói cho con cảm giác khi nghe âm thanh quá dung lượng. Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở trẻ tôn trọng mọi người kể cả trong thang máy, công viên, siêu thị, nhà hàng… Lâu dần, trẻ hình thành được thói quen tích cực khi đến chỗ đông người”.
Làm hỏng không gian sống
Theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Thu Hường, ai cũng hiểu lịch sự là rất tốt, nhưng trẻ nhỏ chưa ý thức được tại sao chúng cần thế này, không được thế kia. Vì vậy, nếu bạn muốn trẻ nghe theo bạn một cách thoải mái thì hãy giải thích cho trẻ thấy tại sao cần lịch sự nơi công cộng.
Bạn có rất nhiều lý do như sự yêu quý của mọi người, không làm phiền người cao tuổi… Bạn hãy lấy ví dụ nếu như có người cư xử bất lịch sự với con thì con sẽ cảm thấy như thế nào. Và trẻ sẽ hiểu rằng mình nên làm gì để không gây khó chịu cho người khác.
Thông thường, ở nơi đông người, khi vô tình gặp người quen, nhiều người thường hét lên để gây sự chú ý. Tuy nhiên, cách ứng xử này không được xem là thông minh, khôn khéo. Bởi nó làm hỏng bầu không gian của những người xung quanh. Đặc biệt là những địa điểm cần sự yên tĩnh như bảo tàng, thư viện… Vì vậy, khi gặp người quen ở nơi công cộng, bạn hãy dạy trẻ vẫy tay thay vì hét lên.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, tiếng ồn từ giao thông đường bộ là tác nhân gây stress nghiêm trọng lớn thứ hai ở châu Âu, chỉ đứng sau ô nhiễm không khí. Ô nhiễm tiếng ồn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý, gây căng thẳng và mệt mỏi kéo dài, làm rối loạn giấc ngủ.
Đối với trẻ em, nó làm suy giảm nhận thức và mất tập trung. Tệ hơn, nó có thể làm giảm thính lực và gây huyết áp cao, từ đó dẫn đến các bệnh về tim mạch. Mỗi năm, tiếng ồn kéo dài gây ra khoảng 12.000 ca tử vong sớm tại châu Âu.
Chưa có nhiều số liệu thống kê chính xác và đầy đủ về nạn tiếng ồn tại Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu sức khỏe và nghề nghiệp, Bộ Y tế, tại 12 đường và nút giao thông chính tại Hà Nội, ô nhiễm tiếng ồn ở các đô thị và khu công nghiệp đều vượt mức cho phép. Một nguyên nhân hiển nhiên là số lượng khổng lồ của xe cơ động chạy trên các đường phố.
Chuyên gia Nguyễn Thu Hường cũng cho biết thêm, đã đến lúc cần dẹp bỏ suy nghĩ “trẻ con biết gì đâu” để dạy con. Điều đó không chỉ giúp con an toàn, tránh được rủi ro, tai nạn nơi công cộng, mà còn giúp con trở thành con người có văn hóa.
Hãy bắt tay vào việc cùng con tập luyện trở thành người công dân tốt, gương mẫu và ứng xử văn minh nơi công cộng. Đó sẽ là một trong những cách cơ bản dạy con trưởng thành trong xã hội phát triển.
“Cha mẹ nên dạy con từ những điều nhỏ nhất để có được thói quen tốt. Nếu con bạn cư xử càng ngoan ngoãn ở nhà, trẻ sẽ có thái độ tốt hơn ở những nơi công cộng. Khi bạn gặp khó khăn với việc dạy trẻ cư xử ở nơi công cộng, hãy thử cố gắng nỗ lực dạy trẻ ở nhà. Người lớn hãy cùng con tập luyện nói chuyện đủ nghe và những tình huống cơ bản khi đến nơi công cộng để tránh làm phiền mọi người” – chuyên gia Nguyễn Thu Hường chia sẻ.
Nguồn https://giaoducthoidai.vn