Trẻ em thích học hỏi
- Giao tiếp cởi mở và chân thành sẽ tạo nên mối quan hệ gần gũi lâu dài với con
- Xây dựng thói quen và trách nhiệm sẽ giúp trẻ biết bản thân cần làm gì
- Khi bạn dạy trẻ làm sao để độc lập, bạn cũng cần dạy trẻ làm sao để được an toàn
- Học cách trở thành 1 người bạn tốt là 1 kỹ năng quan trọng bạn cần dạy trẻ
- Con trẻ đang bắt đầu khám phá thế giới bên ngoài ngôi nhà của bạn, điều này thú vị nhưng cũng có thể làm trẻ sợ hãi
Tập thói quen tự thu dọn các vật dụng giúp trẻ có tính tự lập hơn
Trẻ em từ 4 đến 6 tuổi có thể làm gì?
- Bắt đầu phát triển tính độc lập và xây dựng tình bạn thực sự
- Học được quy luật của các trò chơi khó hơn
- Phát triển các kỹ năng sống quan trọng.
Đặt ra các giới hạn
Khi trẻ vi phạm các nguyên tắc, hãy giải thích đơn giản bằng vài từ ngữ:
- Điều trẻ đã làm là không đúng
- Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như trẻ tiếp tục cư xử như vậy
Hậu quả cần được diễn giải một cách logic, đầy ý nghĩa và đơn giản. Ví dụ:
- Nếu trẻ không đội mũ bảo hiểm, trẻ sẽ không được đi xe đạp trong 1 hay 2 ngày
- Khi trẻ không chia sẻ đồ chơi với bạn, trẻ sẽ không được chơi đồ chơi ấy suốt cả ngày hôm đó
Thiết lập và duy trì các nguyên tắc
Dạy trẻ các nguyên tắc bằng cách xây dựng các thói quen hàng ngày. Trẻ sẽ làm tốt nhất khi chúng biết mình cần làm những gì.
Vào buổi sáng
- Vệ sinh cá nhân
- Thay quần áo
- Ăn sáng
Vào buổi tối trước khi ngủ
Quy định cụ thể thời gian xem TV, chơi game hay sử dụng máy tính. Điều này giúp bạn kiểm soát tốt trẻ đang xem cái gì, tránh được những nội dung bạo lực hay những nội dung không được chấp nhận khác. Quy định tổng thời gian xem TV hoặc máy tính không quá 2 giờ/ngày.
Đọc sách trước khi ngủ, điều này sẽ giúp trẻ:
- Tĩnh tâm sau 1 ngày bận rộn
- Học cách đọc như thế nào
Ăn chung cả gia đình càng nhiều càng tốt. Đây là cách tuyệt vời nhất để mọi người gần gũi, chia sẻ các truyền thống của gia đình, ngoài ra còn dạy trẻ thói quen ăn uống tốt và cách cư xử trên bàn ăn.
Rèn luyện tính độc lập cho trẻ
Dành thời gian nói chuyện và lắng nghe
Trẻ em cảm thấy bản thân quan trọng khi người lớn dành thời gian nói chuyện với trẻ. Vì vậy, hãy thường xuyên nói chuyện với trẻ về nhiều thứ, giúp trẻ có sự tự tin. Hãy hỏi về bạn bè của trẻ và về các hoạt động mà trẻ thích. Hãy nói về những điều tốt nhất và tệ hại nhất mà bạn đã trải qua.
Hãy hỏi: “Hôm nay con có chuyện gì vui nhất?” hoặc “Hôm nay con có chuyện gì buồn nhất?”. Hãy để trẻ biết rằng việc trải qua và kể về những cảm giác không vui là chuyện rất bình thường. Hãy chia sẻ với trẻ những điều tốt nhất và những khó khăn của bạn trong ngày hôm đó. Điều này sẽ dạy cho trẻ biết rằng tất cả chúng ta đều có những lúc vui buồn, thành công hay thất bại, thuận lợi hay khó khăn.
Phân chia trách nhiệm
Khi con bạn mỗi ngày lập lại những công việc nhà được giao, trẻ thực sự đang học cách đóng góp. Với sự hỗ trợ của bạn, các nhiệm vụ sẽ sớm được hoàn thành mà không cần nhiều nhắc nhở. Khi trẻ lớn dần, chúng có thể bắt đầu đảm nhận các trách nhiệm thật sự như:
- Dọn bàn
- Cất đồ chơi
- Cho thú cưng ăn
- Bỏ quần áo bẩn vào sọt
Lòng tự trọng của trẻ sẽ lớn dần khi bạn tạo cho trẻ cơ hội giúp đỡ người khác.
Khuyến khích trẻ tự tắm và mặc quần áo
Ban đầu việc này có thể làm mất nhiều thời gian hơn là giúp trẻ tắm hay mặc quần áo, nhưng thời gian tiêu tốn này thật sự có ích. Tính độc lập hình thành từ sự rèn luyện, và dưới sự hướng dẫn của bạn.
Nếu quần áo được chuẩn bị sẵn từ đêm hôm trước, công việc buổi sáng chỉ còn mặc quần áo. Bằng cách này con bạn chỉ cần tập trung vào 1 việc duy nhất. Trẻ có thể cần được nhắc nhở tất cả các bước: “Buổi sáng, khi con thức dậy, đầu tiên hãy sử dụng nhà tắm, sau đó cởi đồ ngủ ra, và sau đó nữa mặc quần áo khác vào”.
Hãy khen ngợi những nỗ lực và thành công của trẻ: “Hôm nay con thật tuyệt vời, con đã tự chuẩn bị đồ đạc sẵn sàng để đến trường”.
Lời khen đúng lúc đúng việc của bạn sẽ giúp trẻ tự tin và tiếp thu tốt hơn
Dạy trẻ những quy tắc đơn giản về an toàn
Giữ cho trẻ được an toàn là nhiệm vụ quan trọng của cha mẹ. Bạn muốn trẻ tôn trọng và tin tưởng người khác nhưng bạn cũng cần dạy trẻ cẩn thận. Dưới đây là các quy tắc đơn giản và các cách mà bạn có thể bắt đầu câu chuyện về an toàn:
- “Nếu con không biết chắc, hãy hỏi ba/mẹ”
- “Nếu người lớn yêu cầu con làm việc gì đó mà con không rõ việc đó có tốt không, luôn luôn hỏi cha/mẹ đầu tiên. Cha/mẹ sẽ không bao giờ nổi giận khi con hỏi”
- “Không bao giờ có bí mật”
- “Không ai có quyền yêu cầu con giữ bí mật với cha/mẹ – người đó sẽ làm cha/mẹ nổi giận nếu phát hiện ra. Người lớn không bao giờ muốn trẻ con làm như thế”
- “Một số vùng trên người con là riêng tư”
- “Không người lớn nào (ngoại trừ cha/mẹ, bác sĩ và điều dưỡng) được chạm vào người con ở nơi mà con thường mặc đồ tắm”
- “Nếu chúng ta lạc nhau, con hãy tìm 1 người bảo vệ hay cảnh sát”
- “Đây là 1 nơi đông đúc, nếu con không tìm thấy cha/mẹ, hãy tìm người bảo vệ hay cảnh sát, hoặc nhờ 1 người nào đó giúp con. Người đó sẽ giúp con tìm thấy cha/mẹ”
- Mỗi khi bạn đưa trẻ đến nơi đông người, hãy nhìn quanh và chỉ cho trẻ thấy những người có thể giúp đỡ trẻ nếu trẻ bị lạc.
Giúp trẻ trở thành người bạn tốt
Trẻ 4 đến 6 tuổi bắt đầu học ý nghĩa của bạn bè. Chúng sẽ có những thời gian vui vẻ cũng như là việc cãi cọ hay những lúc cảm giác bị tổn thương. Điều này có thể thúc đẩy cha/mẹ cố gắng giải quyết các vấn đề hoặc là nói chuyện với cha/mẹ của đứa trẻ kia. Thay vào đó, cha/mẹ hãy hướng dẫn trẻ tự giải quyết vấn đề. Với sự giúp đỡ của bạn, trẻ sẽ học được cách giải quyết các vấn đề xã hội. Giúp trẻ hiểu được quan điểm của trẻ khác: “Tớ đoán là Suzie cũng muốn thử nữa”.
Dạy trẻ những điều sau:
- Giữ bình tĩnh
- Không đánh nhau, cào cấu, hay xô đẩy
- Dùng lời nói:
- “Tớ thấy khó chịu khi bạn nói chuyện với tớ như thế”
- “Tớ thấy buồn vì bạn không muốn chơi với tớ”
- “Tớ tức giận vì bạn lấy trái banh của tớ”
Hãy đứng gần và quan sát khi trẻ giải quyết vấn đề của chúng. Việc bạn đứng gần sẽ làm cho trẻ cố gắng cư xử tốt nhất. Đây là cách trẻ bắt đầu phát triển tính độc lập và các kỹ năng giao tiếp với người khác 1 cách chân thành, bình tĩnh và lịch sự.
Tài liệu tham khảo
http://www.healthychildren.org/English/ages-stages/preschool/Pages/Growing-Independence-Tips-for-Parents-of-Young-Children.aspx