Như chúng ta đã biết, giấc ngủ có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển trí não của trẻ. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và công bố thời gian và chất lượng của giấc ngủ sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển trí tuệ của con trong những năm đầu đời. Vậy làm thế nào để giúp con ngủ ngon giấc, tránh rơi vào tình trạng mất tập trung, ghi nhớ và tiếp thu kém, xử lý tình huống chậm chạp khi thiếu ngủ? Các cha mẹ vui lòng tham khảo một số phương pháp giúp trẻ đi ngủ sớm và đủ giấc mỗi ngày sau đây nhé.
Xem thêm: Rèn con vào kỉ luật mà không cần đòn roi
Thứ nhất: Rèn luyện thói quen đi ngủ sớm và đúng giờ cho con
Một số trẻ thường mải chơi mãi đến giờ đi ngủ mà vẫn không chịu ngủ. Vì vậy, để đảm bảo con ngủ đúng giờ cha mẹ cần đưa ra qui định nhất quán đối với trẻ, đồng thời nên báo trước và cho con nhắc lại giờ đi ngủ để trẻ nắm bắt và có tinh thần hợp tác thực hiện. Chẳng hạn, mẹ có thể nhắc con “chỉ còn 15 phút nữa thôi là đến giờ đi ngủ rồi đó”, sau đó khích lệ con ngủ đúng giờ để có sức khỏe tốt, tránh chiều chuộng thỏa mãn các yêu sách của con khi đã đến giờ ngủ. Bởi việc con thiếu ngủ/ ngủ muộn sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển trí não và thể chất của trẻ.
Giai đoạn 18 – 24 tháng tuổi, một số trẻ bắt đầu có biểu hiện khó ngủ và có biểu hiện đòi được dỗ ngủ lâu hơn, có nhiều “tiết mục” để trì hoãn, kéo dài thời gian đi ngủ như:
- Đề nghị được nghe kể thêm một số câu chuyện trước khi ngủ
- Ngồi chơi tiếp các trò chơi yêu thích
- Xin bố mẹ đi vòng quanh phòng ngủ / sang phòng khác…rồi mới chịu ngủ.
Do đó cha mẹ cần để ý điều này và rèn luyện thói quen sinh hoạt, ăn ngủ đúng giờ.
Thứ hai: Cha mẹ cần chuẩn bị kĩ lưỡng cho con trước giờ đi ngủ
Cha mẹ nên hạn chế cho con uống nhiều nước, đặc biệt là các loại nước ngọt có gas, cà phê, nước trái cây… trước khi trẻ đi ngủ, bởi các đồ uống như vậy có thể gây kích thích bàng quang quá mức và khiến trẻ bị gián đoạn trong giấc ngủ của mình. Đồng thời, cha mẹ cần rèn luyện thói quen đi vệ sinh trước khi con ngủ, tránh tình trạng phải đánh thức trẻ dậy đi tiểu thêm (do sợ con sẽ tiểu dầm). Bên cạnh đó, chúng ta cần chú ý dọn dẹp giường ngủ của con sạch sẽ và để đèn ngủ ánh sáng mờ tạo sự êm ái, thoải mái, dễ ngủ cho con.
Khi thấy con có biểu hiện khác thường, nấn ná không chịu đi ngủ do sợ bóng tối, cha mẹ nên dành thời gian nói chuyện, tìm hiểu nguyên nhân, trấn an và giúp con vượt qua tâm lí lo lắng, sợ hãi của bản thân.
Cha mẹ cũng cần tìm hiểu và rèn luyện cho con làm quen với một giờ ngủ nhất định, giúp con hình thành nhịp thời gian đồng hồ sinh học ổn định của cơ thể để có giấc ngủ ngon.
Thứ ba: Cách thức để cha mẹ giúp con ngủ sớm, ngủ ngon
Cha mẹ nên sát sao, để ý và nhận diện sớm các dấu hiệu buồn ngủ của con, tránh cho con vận động nhiều, đùa nghịch, cười hét lớn trước giờ ngủ vì như vậy con vừa bị kích động mạnh, vừa bị quá giấc nên càng khó ngủ, quấy khóc và phải chờ khoảng thời gian rất lâu sau cơn buồn ngủ mới quay lại. Khi nhận thấy con gặp khó khăn khi ngủ, cha mẹ hãy giúp con theo cách sau:
- Trang trí phòng ngủ của trẻ có màu sắc hài hòa, thoáng mát và tạo cảm giác thân thiện.
- Nên đảm bảo những đồ chơi quen thuộc mà trẻ thích luôn ở bên cạnh con.
- Không nên kể cho con nghe những câu chuyện kinh dị, xem các chương trình có nội dung bạo lực, rùng rợn trước khi con đi ngủ.
- Nên xác định cho con hiểu rõ ranh giới giữa ngày và đêm, rèn luyện cho con hiểu ban ngày con mới được đáp ứng thêm những điều con mong muốn còn ban đêm con phải ngủ ngoan (bố mẹ sẽ tuyệt đối không đáp ứng theo bất kì đòi hỏi nào của con khi đến giờ ngủ).
Hy vọng các cha mẹ sẽ ứng dụng hiệu quả phương pháp đã được chia sẻ trên đây để giúp con vừa đảm bảo sức khỏe vừa phát triển tối ưu trí tuệ trong những giai đoạn vàng!