Sự hiếu thảo của con cái tương lai gắn liền lời nói và hành động của bố mẹ từ hôm nay. Nếu suốt ngày la mắng con hay bất kính với bề trên, thì đừng mong con có hiếu.
1. Thường xuyên đánh đập, la mắng con
Khi bị cha mẹ đánh, trẻ sẽ cảm thấy phẫn uất, căm ghét, sau này dễ biến bạo lực thành bạo lực, chủ động đánh người khác. Đặc biệt trẻ 5-6 tuổi là giai đoạn quan trọng cho sự phát triển tâm lý cá nhân. Những cha mẹ hay bạo lực vũ lực và lời nói rất dễ ảnh hưởng lên đứa trẻ.
2. Cưng chiều vật chất hơn tình yêu
Ngày nay có rất nhiều các bậc cha mẹ nai lưng ra làm việc, từ việc cơ quan đến việc nhà, để cho con hưởng cuộc sống vật chất đầy đủ, không cho con đụng tay vào việc nhà, đứa trẻ chỉ phải học và chơi. Bạn làm vậy là đang tước đi cơ hội làm việc báo hiếu của đứa trẻ và dung dưỡng đứa trẻ ngày càng trở nên vô tâm. Việc làm của bạn vô tình khiến con cảm thấy tình yêu và vật chất cha mẹ cho là hiển nhiên và sự hy sinh của cha mẹ là hợp lý.
Thực ra thứ một đứa trẻ cần nhất là tình yêu. Chính nó tác động mạnh mẽ đến tâm hồn, nuôi dưỡng tình yêu thương trong đứa trẻ, giúp tình yêu với đấng sinh thành lớn dần theo thời gian.
Muốn dạy con hiểu thảo, phải để con học cách biết ơn. Không phải tất cả đồ chúng ăn, quần áo chúng mặc đều tự nhiên mà có. Ảnh: Sohu
3. Không có phương pháp giáo dục
Các chuyên gia giáo dục cho rằng nếu cha mẹ có thể nắm vững một số kiến thức và kỹ năng tâm lý thì có thể nuôi dưỡng lòng hiếu thảo ở con cái. Ngược lại, cha mẹ hoàn toàn không tiếp thu kiến thức và kỹ năng giáo dục, dạy theo bản năng mù quáng sẽ gây hại cho sự phát triển của trẻ.
Ngay từ khi trẻ con nhỏ, hãy tạo ra những nề nếp, gia phong của gia đình một cách khoa học. Cha mẹ làm gương để con nhìn vào đó tuân theo.
4. So sánh với "con nhà người ta"
Người xưa có câu "Thành công của một đứa trẻ nằm trong trái tim người mẹ, sự thất bại của một đứa trẻ nằm nơi cửa miệng người mẹ". Một người mẹ luôn dõi theo từng bước chân của con, dạy cho con thấy rằng thất bại cũng là một loại thành công và khích lệ con cố gắng hơn, thì người mẹ đó sẽ tạo ra đứa con tài giỏi. Bước tiến sau này của con sẽ dài hơn, cao hơn, bởi vì đã có nền móng vững chắc từ những lời động viên của mẹ.
Ngược lại người mẹ cáu kỉnh, chì chiết lúc con thất bại và so sánh "con nhà người ta", chẳng khác gì đang xua con quay trở lại vỏ ốc, trở nên tự ti. Thậm chí có trường hợp đứa trẻ ghi thù, xa cách, từ đó không mở lòng nữa, lớn lên nó không kính trọng đấng sinh thành.
4. Bất kính người già, kẻ yếu
Tình thương với người già kẻ yếu và lòng hiếu thảo rất giống nhau. Bởi khi đứa con lớn lên, cha mẹ cũng già dần. Trong xã hội, những người già yếu, người nghèo khó hơn ai hết là người cần được sẻ chia và yêu thương. Nếu cha mẹ không có được sự tôn trọng tối thiểu dành cho họ thì không thế trách con vì sao không hiếu thảo với mình.
6. Không tu dưỡng đạo đức cho con
Nếu bạn nhìn thấy một cụ già bị ngã, hãy nhanh chóng chạy đến giúp đỡ họ. Thấy một đứa nhỏ lang thang trong đêm muộn, đừng ngần ngại hỏi nó xem tại sao còn ở ngoài đường giờ này. Làm việc tốt không mong cầu được đền đáp, nhưng chắc chắn bạn vẫn luôn được nhận lại lời khen, câu cảm ơn ngay lập tức.
Và một điều vô cùng quý giá khác, nó nuôi dưỡng cho bạn tâm hồn biết yêu thương, đồng cảm với người xung quanh. Đứa trẻ nhìn vào tấm gương của cha mẹ cũng trở thành một người như thế.
7. Cha mẹ không hiếu thảo
Muốn con cái hiếu thảo thì ngay lúc này bạn phải đối xử tốt với ông bà, cha mẹ của mình. Có những người hắt hủi bố mẹ già, nghĩ họ lẩm cẩm, thậm chí không trợ cấp, thăm nom... hỏi những cha mẹ như vậy làm sao nuôi được một đứa con có hiếu trong tương lai?
Có một điều chắc chắn, một đứa trẻ tài giỏi chưa chắc đã là đứa con có hiếu và được người đời nể trọng. Nhưng một đứa con có hiếu thì đường đời của nó sẽ hanh thông và được người người yêu quý.
Nguồn https://vnexpress.net/