Nói lắp khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề giao tiếp. Thường việc trẻ nói lắp trong khoảng từ 2 – 4 tuổi là điều bình thường và sẽ tự hết khi trẻ trên 5 tuổi. Tuy nhiên có một số trường hợp vẫn sẽ không dứt điểm được. Thực tế thì đối với bất cứ ai khi có chấn động hay thay đổi tâm lý cũng có thể dẫn đến việc nói lắp, tuy nhiên vẫn có thể điều chỉnh lại được.
1. Nguyên nhân trẻ nói lắp
– Do yếu tố di truyền:
Có lẽ điều này khiến chúng ta ngạc nhiên tuy nhiên thực tế cho thấy nếu người nhà của trẻ (bố mẹ, anh chị em..) có tiền sử nói lắp thì nguy cơ trẻ mắc bệnh nói lắp bẩm sinh cao gấp 10 lần những trẻ bình thường khác.
– Do môi trường:
Nếu trẻ thường xuyên tiếp xúc với môi trường có người nói lắp hoặc bắt chước cách nói của người nói lắp nhiều cũng sẽ khiến trẻ có thói quen và dần dần mất kiểm soát về ngôn ngữ.
– Do yếu tố sinh học:
Trẻ bị tổn thương vùng não Broca (vùng phân tích vận động lời nói). Trong quá trình mang thai, người mẹ có thể mắc 1 bệnh gây tổn thương cho não của trẻ như viêm màng não, viêm não…nó sẽ để lại di chứng ở vùng ngôn ngữ. Đồng thời việc thay đổi thói quen sử dụng tay thuận cũng khiến trẻ nói lắp do trung tâm thần kinh lời nói có liên quan chặt chẽ với trung tâm chỉ huy cánh tay. Nói lắp thường xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới và ở người thuận tay trái nhiều hơn người thuận tay phải
– Do yếu tố tâm lý:
Trẻ bị chấn động/khủng hoảng về tâm lý sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc nói lắp: khi xúc động, cáu gắt, khi đứng trước đông người khiến trẻ thiếu tự tin, khi bị trêu đùa quá chớn…
– Do yếu tố ngôn ngữ:
Do khả năng ngôn ngữ của trẻ còn hạn chế như: thiếu vốn từ vựng, bí từ, nói ngọng…trẻ phải vừa nói vừa nghĩ từ, cách để diễn tả điều mình muốn nên sẽ bị lặp từ.
2. Biểu hiện của việc trẻ nói lắp
- Trẻ nói khó khăn, khó phát âm, nói ngọng
- Trẻ nói ngắt quãng, không dứt khoát, chia thành nhiều đoạn và sử dụng nhiều từ lặp
- Trẻ nói quá nhanh và không rõ từ
- Trẻ nói nhát gừng, nhấn mạnh từ chữ…
3. Cách khắc phục
Trẻ bị nói lắp không phải là điều quá đáng ngại và cũng không phải là không có phương pháp để chữa dứt điểm. Nhưng nếu cha mẹ không thực sự quan tâm tới con, để việc nói lắp kéo dài quá sẽ khiến việc nói lắp trở thành phản xạ tự nhiên và bệnh lý.
Trước tiên cha mẹ cần đáp ứng tốt nhu cầu về thể chất và tâm lý của trẻ: Một bạn nhỏ được quan tâm và chăm sóc cả về vật chất, tinh thần, sống trong môi trường ngập tràn yêu thương và hạnh phúc chắc chắn sẽ có sự phát triển về ngôn ngữ tốt hơn những trẻ khác.
Cha mẹ không nên quát mắng, đánh hoặc hối thúc trẻ thực hiện việc gì hoặc khi nghe thấy trẻ nói lắp lại có thái độ hoặc lời nói phê bình, chê bai khiến trẻ mặc cảm và càng ít giao tiếp. Hãy hướng dẫn trẻ bằng cách nói từ từ để trẻ bắt chước hoặc bình tĩnh hơn để diễn đạt. Đồng thời cha mẹ có thể dạy con đọc thơ, hát, tập luyện thanh …để tăng vốn từ vựng và rèn cách phát âm cho trẻ.
Cha mẹ nên nói những từ ngữ đơn giản, phù hợp với độ tuổi của con, những câu ngắn gọn, súc tích nhưng đủ câu sau đó mới đến câu có cảm xúc…Không ngắt lời hoặc phê bình con mà hãy nhắc lại câu đúng với thái độ thoải mái để con nói lại theo. Đồng thời chỉ trả lời khi con đã nói xong, nói hết câu chứ không nói thay con hoặc lái sang chuyện khác để con quên mất điều mình cần diễn đạt.
Cha mẹ có thể sử dụng một số trò chơi với chữ để tăng vốn từ vựng cho trẻ như: Nối câu, nối chữ, mẹ nói nếu…con nói thì…các hoạt động này không chỉ tăng vốn từ cho trẻ mà còn giúp trẻ tăng cường phản xạ, khả năng ghi nhớ.
Cho dù cha mẹ dùng bất cứ phương pháp nào với con thì cha mẹ cũng cần phải có sự kiên nhẫn. Bởi thực tế chữa nói lắp cho trẻ không khó nhưng cha mẹ cần hiểu con và đồng hành, chia sẻ, động viên, khích lệ con để con tự tin và quyết tâm tập luyện. Nếu cứ ép buộc, trì chích hoặc phê phán trẻ con sẽ càng tự ti và sợ hãi.
Ngoài ra cha mẹ cũng có thể cho con theo học các lớp kỹ năng sống để trẻ có thể trải nghiệm và giao tiếp nhiều hơn.
Điều quan trọng nhất đối với mỗi đứa trẻ chính là niềm vui và hạnh phúc trong gia đình. Không ít cha mẹ biết rằng những cuộc cãi vã, những sự bất đồng, li hôn…chính là yếu tố khiến con ảnh hưởng tâm lý và giao tiếp của trẻ. Trẻ tự tin và có cha mẹ đồng hành thì việc khắc phục tật nói lắp không còn quá khó khăn nữa. Các cha mẹ hãy tạo cho con một môi trường tốt nhất, lành mạnh nhất để con có thể phát huy khả năng của bản thân cũng như ngày càng hoàn thiện mình hơn.