Bình thường trẻ ho, khò khè đã khiến các mẹ lo lắng thì trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, các mẹ còn lo lắng gấp nhiều lần. Vậy khi bé ho có đờm, thở khò khè các mẹ cần làm gì?
Trẻ bị ho, khò khè cảnh báo dấu hiệu của bệnh lý nào?
Khò khè là tiếng thở bất thường xảy ra khi trẻ bị tắc nghẽn đường hô hấp dưới. Khò khè hay gặp ở trẻ vì ở lứa tuổi này, đường thở gồm các phế quản có kích thước nhỏ và khi bị viêm nhiễm dễ bị co thắt, phù nề ,tiết dịch và nghẽn tắc. Khi phế quản tiết dịch dễ gây phản xạ ho để tống xuất dị vật (dịch nhầy hay còn gọi là đờm) ra khỏi đường thở. Những bệnh lý dễ gây ra tình trạng khò khè, ho ở trẻ thường gặp nhất phải kể tới:
Hen phế quản (suyễn): Hầu hết các cơn khò khè đều được xác định nguyên nhân là do hen phế quản (suyễn). Mặc dù không phải trẻ nào thở khò khè đều là do mắc bệnh suyễn nhưng nếu trẻ có triệu chứng này sau 4 tuổi thì mẹ cần nghĩ ngay đến nguyên nhân này để có cách xử lý kịp thời cho trẻ.
Những biểu hiện đặc trưng của bệnh hen là các cơn ho tái phát với tần suất cao đi kèm tiếng khò khè, thở ngắn hoặc khó thở. Cơn hen nặng có thể khiến ngực trẻ co lõm mỗi lúc thở và người trở nên bứt rứt, khóc quấy.
Viêm phế quản co thắt: Viêm phế quản co thắt là một thể bệnh của viêm phế quản. Bệnh cũng có đầy đủ các triệu chứng của bệnh viêm phế quản ở trẻ em như ho có đờm, thở khò khè, khó thở… Tuy nhiên, khi trẻ bị viêm phế quản co thắt sẽ kèm thêm biểu hiện là khi ho sẽ có những cơn co ở vùng ngực, bụng gây hiện tượng khó thở, cảm giác như rít lên để thở được.
Viêm amidan cấp tính: Viêm amidan cấp tính là tình trạng amidan của trẻ bị vi khuẩn, vi rút tấn công gây ra các triệu chứng như đau rát họng, khản tiếng, khò khè, khó thở, có cảm giác vướng ở họng, khó nuốt và ăn uống...
Viêm phổi: Bệnh viêm phổi ở trẻ em thường có các biểu hiện rất đa dạng và phức tạp. Khi chớm bị, bé có thể chỉ có sốt nhẹ, ho húng hắng, chảy nước mắt và nước mũi, khò khè, ăn kém, bỏ bú, quấy khóc… Ở giai đoạn sau, trẻ sẽ có biểu hiện sốt cao, ho tăng lên, có đờm, khó thở, thở nhanh, thờ khò khè, rút lõm lồng ngực, bỏ bú hoặc bú kém, tím môi, tím đầu chi… Nặng hơn, có thể dẫn đến tình trạng trẻ bị tiêu chảy, nôn, đau bụng. Tình trạng này kéo dài sẽ gây thiếu oxy cung cấp cho não, trẻ sẽ li bì hoặc bị kích thích, co giật…
Mùa dịch, mẹ nên làm gì khi trẻ ho, thở khò khè?
Trẻ dưới 3 tháng tuổi bị khò khè, ho cần đưa trẻ đi khám ngay vì đây là triệu chứng bệnh nặng ở lứa tuổi này. Với trẻ trên ba tháng, cần theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm kèm như khó thở, thở nhanh, thở co lõm ngực để trao đổi với các bác sĩ khi đi khám. Nếu trẻ khò khè, ho kèm theo tím tái, co rối loạn tri giác (vật vã, bứt rứt, hay li bì) cần đưa bé vào viện cấp cứu ngay lập tức.
Nhiều bố mẹ băn khoăn không muốn cho con đi khám vì đang trong giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch bệnh mà không biết rằng việc chần chừ của bố mẹ có thể đã làm con bỏ lỡ giai đoạn vàng trong điều trị. Để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh, bố mẹ có thể cho trẻ đi khám ở những cơ sở y tế quen thuộc. Nếu bé tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh trong vòng 14 ngày qua cần trao đổi với bác sĩ để có sự tư vấn thích hợp. Khi trẻ đi khám, bố mẹ và trẻ đeo khẩu trang, thực hiện đúng quy định sát khuẩn, đo thân nhiệt tại nơi khám nếu có.
Đặc biệt, mẹ cần nhớ không nên tự ý dùng kháng sinh, long đàm, kháng viêm,… vì có thể sẽ không đạt hiệu quả tốt mà có khi còn làm trẻ khò khè nhiều hơn, bệnh nặng hơn. Ba mẹ cần chú ý cho trẻ uống đủ nước, nhỏ mũi, hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5 độ.
Riêng về phòng dịch cho trẻ, hàng ngày ba mẹ nên hướng dẫn bé rửa tay đúng cách, tối thiểu 20 giây. Dạy bé không đưa tay dụi mắt, mũi miệng khi chưa rửa tay. Thức ăn nấu chín, không mớm cho trẻ ăn, không dùng miệng thổi thức ăn cho mau nguội. Cho trẻ đi tiêm chủng ngừa bệnh cúm, sởi và các bệnh do virus gây bệnh khác theo hướng dẫn của ngành y tế.