Trẻ không bao giờ buồn tẻ khi ở ngoài trời và không thiếu những "đồ chơi" giúp xây dựng trí tưởng tượng và sự sáng tạo.
Khi khám phá tự nhiên, trẻ sẽ tìm thấy những chi tiết thú vị về thế giới xung quanh. Từ nguyên liệu sẵn có, trẻ sẽ xây dựng những kịch bản tuyệt vời để vui chơi. Chẳng hạn, các em dùng lá cây để chơi nấu ăn, hoặc đặt câu hỏi về thế giới tự nhiên như: "Tại sao bầu trời lại màu xanh". Những thay đổi của tự nhiên luôn kích thích trí tò mò, khả năng tưởng tượng và sự sáng tạo bên trong trẻ. Khi khuyến khích con chơi ngoài trời, phụ huynh đang thúc đẩy sự sáng tạo.
Ảnh: Shutterstock.
Môi trường không hạn chế sai lầm
Trẻ em có thể trải nghiệm các hoạt động nhưng quan trọng là học cách chấp nhận sai lầm và sửa đổi. Giả sử, nếu trẻ vẽ người không giống theo tự nhiên, các em sẽ bị người lớn yêu cầu vẽ lại. Hoặc khi các em tô màu trời, vốn dĩ phải xanh dương, thành xanh lá, cũng sẽ bị nhắc làm lại. Điều này khiến đứa trẻ nghĩ rằng chưa làm đủ tốt, ý tưởng cá nhân là sai. Từ đó, các em sẽ đi theo tư duy lối mòn.
Thay vì hạn chế những sai lầm, hãy thúc đẩy trẻ học hỏi từ những sai lầm. Điều này không chỉ dạy các em rằng có thể sửa chữa sai lầm và tạo ra những điều đẹp đẽ mà còn thúc đẩy không ngại sai lầm để thử những điều mới.
Môi trường học tập đa dạng
Không phải mọi tri thức đều nằm trong sách giáo khoa, trên giảng đường. Để học và giải quyết vấn đề, trẻ cần được cung cấp nhiều phương pháp học tập khác. Khả năng sáng tạo cũng là một loại hình học tập quan trọng. Bằng cách sáng tạo với nghệ thuật, âm nhạc hay đồ chơi, trẻ học cách tư duy và củng cố kỹ năng vận động.
Tính độc lập, kỹ năng giải quyết vấn đề cũng đến từ việc ươm mầm sáng tạo. Nếu môi trường học tập cho phép sáng tạo, kích thích trí tưởng tượng, trẻ sẽ thu nạp kỹ năng sống nhiều hơn học tập trong môi trường học thuật. Nuôi dưỡng khả năng sáng tạo của con bạn là một phần thiết yếu để giúp chúng phát triển thành người có năng lực.
Nguồn VNE