Có lẽ, dịch COVID-19 đã khiến cuộc sống của không ít gia đình bị xáo trộn. Giữ an toàn khỏi virus là một chuyện, giữ cho tất cả mọi người trong gia đình, đặc biệt là các bạn nhỏ có tinh thần vui vẻ, thể chất khỏe mạnh lại là một chuyện đáng lo lắng khác. Gần hai tháng không được đến trường có thể dễ dàng khiến những đứa trẻ bị cuốn vào các thiết bị điện tử nhiều hơn. Đây là một điều dễ hiểu, dễ xảy ra với bất cứ gia đình nào.
Nhiều gia đình có thể bất lực vì chẳng biết làm thế nào khác, nhiều bố mẹ lại loay hoay để tìm ra những hoạt động thay thế tivi, điện thoại cho con mình. Hãy hít một hơi thật sâu và lấy ra một cuốn sách và lên kế hoạch, lịch trình cho một ngày đơn giản, linh hoạt, hiệu quả cho con bạn.
1, Ước tính giờ làm việc của bạn.
Trong mùa dịch này nhiều bố mẹ vẫn phải tiếp tục công việc của mình. Vì vậy, để có nhiều thời gian cho con ở nhà bạn có thể làm việc với nhóm của mình để tìm ra các phương án ưu tiên cho bạn trong những tuần tới. Hàng triệu bố mẹ cũng đang đối mặt với tình trạng như bạn, và đơn giản là bạn khó có thể có được một tuần làm việc như những ngày chưa xảy ra dịch bệnh.
Hãy nhìn vào khối lượng công việc của bạn mỗi tuần và ước tính số giờ cần thiết để hoàn thành, và phân chia số giờ mỗi ngày để đảm bảo công việc vẫn hiệu quả.
2. Sắp xếp và thay đổi lịch trình cho phù hợp
Bạn có thể bàn bạc với vợ/chồng của mình để tìm ra những thay đổi nào mà cả gia đình sẽ cần phải thực hiện và phân chia mỗi người một nhiệm vụ.
Ví dụ: Bố có thể làm việc từ 6 giờ sáng đến 1 giờ chiều và 1 giờ chiều đến 8 giờ tối là thời gian làm việc của mẹ. Số thời gian còn lại thì bố và mẹ phân chia nhau trông con, làm việc nhà. Việc phân chia công việc và hỗ trợ nhau trong giai đoạn này sẽ giảm một phần gánh nặng cho đối phương, mà con cái vẫn có thời gian bên bố mẹ.
3. Xây dựng chơi độc lập
Mặc dù nhiều bố mẹ có thể làm việc trong lúc trông con nhưng bọn trẻ sẽ cảm thấy thất vọng khi thấy bố mẹ không thực sự chú ý đến chúng. Bản thân chúng ta cũng không vui vẻ gì khi bị gián đoạn liên tục trong công việc, ví dụ như muốn gửi một email mà 5 lần 7 lượt không thể gửi được.
Thay vào đó, hãy sắp xếp một khoảng thời gian trong ngày để con tự chơi độc lập hoặc tự học. Điều này có thể khó khăn ban đầu, nhưng trẻ sẽ thích nghi dần nếu bạn kiên định. Chơi độc lập thực sự có ý nghĩa nếu như được lên lịch trình đều đặn mỗi ngày, và thời gian đó bạn có thể tranh thủ giải quyết mọi công việc của mình.
4. Lên kế hoạch làm việc cùng con
Điều này có nghĩa là bạn và con cùng có thời gian làm việc và học tập cùng một lúc.
Ví dụ như: Vào lúc 10 giờ sáng, cả bạn và con sẽ có 1 giờ để bạn làm việc và con vẽ tranh bên cạnh. Trong thời gian đó cả hai vẫn có thể tương tác với nhau, nhưng hãy nói cụ thể với con đó là giờ mà cả 2 cùng song song làm việc của mình.
5. Luôn thích nghi và thực tế
Có thể từ khi bắt đầu mùa dịch, các con phải nghỉ học ở nhà, nhiều bố mẹ đã tham khảo các lịch trình hoạt động một ngày của nhiều bố mẹ khác. Thực tế là chúng ta khó có thể áp dụng 100% kế hoạch của gia đình khác vào gia đình mình, và mọi thứ sẽ không suôn sẻ như bạn nghĩ.
Thay vì xây dựng lịch trình dựa trên các hoạt động hàng ngày, bạn hãy thử tạo lịch biểu dựa trên các loại thời gian gia đình kết hợp với nhau như:
🔖 Thời gian kết nối gia đình
🔖Thời gian học độc lập
🔖Thời gian học bán độc lập
🔖 Bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ
🔖 Thời gian ngoài trời
🔖 Thời gian tĩnh lặng
🔖 Thời gian chơi độc lập
🔖 Thời gian trên màn hình hoặc thời gian công nghệ
GỢI Ý TRÒ CHƠI ĐỂ CÁC BÉ “BẬN RỘN” HƠN
Xin gợi ý một vài hoạt động tại nhà cho con như sau:
☑️ Đọc sách: những cuốn sách luôn là gợi ý hay ho và giải pháp thay thế “không bao giờ chán” dành cho bố mẹ và các bạn nhỏ. Hãy chọn cho con những cuốn sách nhiều màu sắc, hình thù và phù hợp với lứa tuổi để cùng con nhâm nhi, khám phá. Hoặc bố mẹ có thể tìm những cuốn sách có cắt dán để con thực hành khả năng khéo léo và sáng tạo của mình. Nếu khó khăn trong việc lựa chọn sách và không biết nội dung nào sẽ phù hợp với con thì bạn có thể tham khảo những hộp sách siêu hay ho của Hộp Háo Hức nhé.
☑️ Cùng con vẽ: bạn có thể đưa cho trẻ một tập giấy, sách tô và hộp bút màu, điều này có thể khiến con bận rộn trong nhiều giờ đấy ạ. Hoặc bố mẹ có thể gợi ý cho trẻ tưởng tượng về con virus corona và để con vẽ lại, xen lẫn với đó là các bài học bảo vệ sức khỏe phòng tránh virus này xâm hại cơ thể sẽ khiến bé hiểu biết thực tế và hiệu quả hơn đó ạ.
☑️ Chơi các đồ chơi lắp ráp: các khối hình học, lego, đồ chơi lắp ráp sẽ khiến trẻ bận rộn cả tiếng đồng hồ mà không mệt mỏi, vừa giúp tăng khả năng vận động, vừa giúp trẻ tích cực tư duy.
☑️ Tự làm đồ chơi tại nhà: Mầm Nhỏ đã từng gợi ý cho bố mẹ và các bạn nhỏ cách làm nhiều đồ chơi tại nhà, vừa tiết kiệm, vừa vui lại đặc biệt an toàn trong đợt dịch này. Mời bố mẹ tham khảo cho bé tại đây nhé:
☑️ Chơi các trò chơi vận động: vận động tại nhà vừa giúp con khỏe mạnh, tăng sức đề kháng vừa khiến các bạn nhỏ không nhàm chán như: trốn tìm, vượt chướng ngại vật, nhảy dây, nhảy lò cò…Ngoài ra, bạn và con có thể đi dạo, đạp xe đạp ở khu vực gần nhà, tiếp xúc với thiên nhiên, nhưng nhớ vẫn đảm bảo an toàn nhé!
☑️ Làm việc nhà: bố mẹ hãy để con cùng dọn dẹp nhà cửa, vào bếp nấu ăn, và những hoạt động nhẹ nhàng sẽ giúp con tăng kỹ năng vận động thô, học cách chăm sóc bản thân, tự lập hơn và “có việc làm” hơn đấy ạ.
☑️ Tham gia lớp học, chương trình học online: để trẻ không lãng quên kiến thức và mạch học tập, bố mẹ có thể dành thời gian mỗi tối để cùng con ôn lại bài vở hoặc tham gia các chương trình học online nhé.
⛵ Hãy tạo một lịch trình đơn giản, đánh giá sau một tuần và có thể thay đổi nếu cần thiết. Đó có thể là thời gian cho học tập nhiều hơn, hoặc vui chơi nhiều hơn, hay thời gian bên ngoài lâu hơn.
🌵 Ảnh dưới đây là lịch trình một ngày của 3 đứa trẻ nhà Jessica McHale - một nhiếp ảnh gia. McHale không phải là một chuyên gia y tế hay một nhà giáo dục, đơn giản cô ấy là một bà mẹ giống bạn khi phải đối diện với 3 đứa trẻ trong mùa dịch này. Nhưng bảng biểu của cô ấy được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và được hàng nghìn người quan tâm.