Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 mùa hè vốn là mùa yêu thích của trẻ nay bỗng trở nên nhàm chán, buồn tẻ. Vậy cha mẹ cần làm gì để giúp con rèn luyện thể chất nâng cao sức khỏe trong hoàn cảnh đặc biệt này?
Đã hai mùa hè gần đây do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các khu vui chơi, nhà tập sân bãi, bể bơi… đóng cửa, trẻ bị hạn chế tự do ra ngoài tập luyện, vui đùa, chạy nhảy, không được đi picnic, du lịch hay các hoạt động dã ngoại khác… Trẻ vốn hiếu động, nay như bị «giam lỏng», khiến chúng trở nên «bức bối khó chịu». Nhiều trẻ chỉ biết cắm đầu vào TV, máy tính, điện thoại, game, truyện… thức khuya, dậy muộn, ít vận động, trở nên ì ạch, uể oải, đờ đẫn, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và cả tinh thần của trẻ.
Ngoài việc học tập, ôn tập hè, cha mẹ hãy tìm cách tạo động lực để trẻ hứng thú, ham muốn vận động, giúp chúng trở nên hoạt bát, năng động hơn. Lập thời gian biểu hợp lý và linh hoạt hàng ngày cho việc học, giúp đỡ cha mẹ công việc gia đình, tập luyện thể chất, giải trí, đọc sách, xem TV...
Lựa chọn loại hình vận động phù hợp
Bơi lội là loại hình vận động rèn luyện thể chất toàn diện và được đại đa số trẻ yêu thích, nhất là vào mùa hè. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh nên lựa chọn này không còn phù hợp với số đông. Trong điều kiện cho phép tham gia các hoạt động ngoài trời không đòi hỏi phải có nhiều người cùng chơi, ít tiếp xúc trực tiếp, có thể kể đến như đi bộ, chạy, đạp xe, trượt patin, cầu lông.
Đạp xe là loại hình vận động phù hợp với trẻ trong mùa COVID-19
Khi không thể ra ngoài chạy nhảy vui chơi luyện tập, hãy khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động giúp đỡ cha mẹ trong các công việc hàng ngày hoặc giao việc nhà phù hợp cho trẻ. Những công việc như lau dọn nhà, làm vườn, tưới cây, chăm sóc cây cảnh… vừa giúp trẻ hiểu biết, bổ sung kỹ năng, vừa vận động thể chất. Cha mẹ cũng cố gắng tạo ra những không gian đủ cho trẻ có thể tập luyện những loại hình vận động thể chất đơn giản như nhảy dây, tập với tạ nhỏ, tập kéo dãn xà đơn, yoga, chống đẩy…
Giúp đỡ bố mẹ việc nhà cũng là một hoạt động thể chất bổ ích cho trẻ
Việc tập luyện những loại hình vận động đơn giản, ít đột biến, ít người tham gia thường khiến trẻ nhanh cảm thấy nhàm chán, khó tạo hứng thú cho trẻ thực hiện lâu dài. Do đó cha mẹ phải thường xuyên động viên, cũng như nên liên tục thay đổi loại hình vận động tạo động lực giúp trẻ thích thú và tự giác tham gia hoạt động. Cha mẹ hãy tự giác tập luyện làm gương để trẻ noi theo. Hãy bỏ điện thoại xuống, tạm gác công việc lại, đi dạo bộ cùng trẻ, dành thời gian vui chơi, vận động với trẻ.
Những lưu ý khi tập luyện
Thời gian tập tùy thuộc loại hình vận động, lứa tuổi và thể chất của trẻ. Tổng thời gian hoạt động thể lực vào khoảng 1h mỗi ngày và nên chia thành nhiều lần trong ngày. Đi bộ, đạp xe khoảng 20-30 phút, các loại hình khác tùy thuộc sức khỏe và khả năng của trẻ mà điều chỉnh tần suất cho thích hợp. Các bài tập yoga cùng với cha mẹ hay các bài tập aerobic với tiếng nhạc sôi động sẽ khiến trẻ thích thú và hăng hái tập luyện.
Trẻ thường khó kiểm soát cảm xúc và hưng phấn dễ dẫn đến vận động quá mức, kiệt sức hoặc những nguy cơ chấn thương. Do đó, cha mẹ cần chú ý điều tiết việc vận động của trẻ cho phù hợp. Thời tiết nắng nóng nên chọn thời điểm tập luyện vào sáng sớm và chiều muộn, tránh thời điểm nắng nóng có hại cho sức khỏe. Uống đủ nước cả trước, trong và sau khi tập, nhưng cũng tránh để trẻ uống quá nhiều dẫn đến no bụng ngay trước bữa ăn. Không vận động hay chơi những trò chơi kích thích mạnh vào buổi tối trước giờ ngủ khiến trẻ khó ngủ. Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, ăn uống đủ chất, khoa học phù hợp với hoạt động tập luyện. Không nên nô đùa chạy nhảy ngay sau khi ăn.
Duy trì giấc ngủ, đúng giờ, đủ thời gian. Tránh thức khuya, nên động viên và giúp trẻ xây dựng thói quen dậy sớm để vận động thân thể. Khoảng 15 phút vận động trước bữa sáng, 30 phút đi dạo sau bữa tối cùng với cha mẹ mỗi ngày sẽ thực sự hữu ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần của cả gia đình.
BS. Phạm Quang Thuận
Nguồn https://suckhoedoisong.vn