Đến tuổi tập nói, đa số các bé đều nói ngọng, phát âm chưa chuẩn. Đây là điều hết sức bình thường nên mẹ đừng lo lắng. Nhưng với trẻ đã lớn mà vẫn còn nói ngọng là vấn đề lớn mà cha mẹ không nên chủ quan. Chúng ta cần tìm phương pháp để chữa tật nói ngọng ở trẻ. Vậy nguyên nhân nào mà trẻ lại nói ngọng và phương pháp giúp trẻ không nói ngọng ra sao? Hãy để blog nuôi con đúng cách giải đáp giúp bạn nhé!
Nguyên nhân nói ngọng ở trẻ
Tật nói ngọng ở trẻ là hiện tượng rối loạn ngôn ngữ. Xét về đặc thù thì có 2 dạng nói ngọng:
- Nói ngọng sinh lý: do cơ quan phát âm bị dị tật bẩm sinh như ngắn lưỡi, đầy lưỡi,…
- Nói ngọng mang tính xã hội: phát âm lệch so với chuẩn
Những yếu tố tác động bên ngoài cũng ảnh hưởng đến việc phát âm của trẻ. Mà gần nhất chính là cha mẹ. Nếu cha mẹ phát âm sai thì trẻ sẽ bắt chước, nhất là giai đoạn đang tập nói. Điều này sẽ tạo nên thói quen phát âm cho trẻ và từ đó, trẻ sẽ nói ngọng.
Bản thân trẻ nếu mắc các triệu chứng khó thở, ngạt mũi nên khi nói phải thè lưỡi, nói chệch âm để cố gắng diễn tả ý nghĩ trong đầu. Điều đó cũng là yếu tố khiến trẻ nói ngọng. Hoặc có khi, dù không bị vấn đề gì nhưng trẻ tự bóp méo âm thanh để truyền đạt suy nghĩ theo cách của mình cũng là nguyên nhân làm trẻ nói ngọng. Nếu không sửa sai lỗi phát âm sớm, trẻ sẽ mắc tật nói ngọng.
Muốn giúp trẻ không nói ngọng, hãy giúp trẻ tránh các tác nhân sau:
– Cơ hàm yếu
Cơ hàm yếu cũng là nguyên nhân khiến trẻ nói ngọng. Để con có cơ hàm khỏe mạnh, các cha mẹ cần cho con luyện tập cơ hằng ngày bằng cách: nhai trái cây, rau củ, thịt, bánh quy giòn,… Mục đích để để hàm vận động nhiều hơn, cứng cáp hơn trong giai đoạn trẻ đang lớn và tập nói.
– Cơ má và lưỡi
Để cơ má và lưỡi khỏe và mềm mại, mẹ hãy cho con luyện tập bằng cách súc miệng, hoặc khi ăn cứ chuyền từ má này sang má khác…
– Bệnh dị ứng, viêm xoang
Các bệnh về hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, cảm cúm,… cũng ảnh hưởng đến việc phát âm. Bị ngạt mũi phải thở bằng miệng cũng làm cho trẻ khó phát âm và nói sai từ. Trong giai đoạn trẻ còn nhỏ (từ 1 – 5 tuổi), cha mẹ cần cố gắng chăm sóc và dạy trẻ giữ gìn sức khỏe. Khi mắc các bệnh nêu trên cần chữa trị sớm để tránh hệ quả ảnh hưởng đến việc phát âm của con.
– Môi trường sống
Ảnh minh họa
Ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài cũng là nguyên nhân khiến trẻ nói ngọng. Trong môi trường sống của trẻ, cha mẹ và những người tiếp xúc trò chuyện với trẻ cũng cần phát âm chuẩn để tránh tình trạng trẻ bắt chước.
Phương pháp chữa tật nói ngọng ở trẻ
Khi con có dấu hiệu nói ngọng, cha mẹ cần có biện pháp sửa lỗi ngay chứ không nên để tình trạng này kéo dài. Sửa càng sớm càng có lợi. Nếu trong trường hợp trẻ đang tập nói mà có cách phát âm sai thì mẹ cần bắt lỗi và cho con đọc đi đọc lại âm đó cho chính xác. Nhưng trường hợp trẻ mắc tật nói ngọng thì mẹ hãy tham khảo phương pháp sau. Hãy nhớ phải thật kiên trì, cho con nói chậm, từng chữ một chứ không thể vội vã để có kết quả ngay được.
Nguyên tắc chữa tật nói ngọng như sau:
– Thời gian ngắn nhưng thường xuyên
Việc kéo dài thời gian luyện tập không hẳn là giúp trẻ chữa tật nói ngọng mà trái lại còn khiến trẻ chán và mất tập trung, ngay cả mẹ cũng nản. Chỉ cần luyện tập trong vòng 2 – 3 phút và tập nhiều lần trong ngày.
– Luyện cơ miệng thường xuyên
Bạn cần chịu khó nghe con phát âm và phân loại, tổng hợp những từ mà con thường phát âm sai để sửa. Muốn chỉnh âm cho con thì đầu tiên, con phải có cơ miệng linh hoạt. Vào sáng sớm hoặc những lúc rảnh rỗi, mẹ hãy yêu cầu con luyện cơ miệng bằng cách đọc to các âm O, A, E, TR… Hoặc khi chơi trò chơi, mẹ có thể bảo con gọi to các đồ vật. Nếu nhỡ ngọng âm nào đó, mẹ vừa để con sửa lỗi vừa đọc to âm đó lên.
– Sử dụng các âm bổ trợ
Trẻ nói ngọng với các âm như l, n, đ, tr,… thường rất khó bắt trẻ nói đúng chuẩn xác ngay được. Nguyên nhân là do thói quen phát âm đã vào khuôn khổ. Nếu muốn sửa lỗi phát âm cho trẻ, bạn cần vận dụng các âm bổ trợ có cấu âm tương tự để từng bước một sửa sai cho con. Ví dụ với âm gió thì dùng âm “t” để luyện, sửa âm “r” thì dùng âm bổ trợ “đ”,…
Giai đoạn đầu luyện tập chữa nói ngọng, cha mẹ nên ngồi cùng con vừa trò chuyện vừa sửa lỗi cho con. Ngọng là bệnh lý có thể chữa được nhưng cần thời gian. Phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời, đúng cách thì không có gì đáng lo ngại.