Bạn có thể sáng tạo ra những trò chơi đơn giản, sinh động để cùng cười với con. Điều này không chỉ giúp mẹ con gần gũi với nhau hơn mà còn kích thích trí sáng tạo và tưởng tượng của bé.
1. Mẹ con mình cùng đi câu cá nha!”
Trưa hè nóng bức, bạn hãy “hô biến” chậu nước hoặc hồ tắm của bé thành một cái hồ với những con cá, vịt… bằng nhựa đang bơi. Sau đó, cho bé ngồi vào hồ và câu cá, bảo đảm trẻ sẽ rất hào hứng. Bạn có thể câu đua với bé. Ai câu được nhiều cá nhất là người thắng cuộc. Bạn nhớ đừng để bé ngâm mình quá lâu trong nước đấy!
2. "Ồ, con cọp còn thiếu một chân à?”
Bạn có thể vẽ một bức tranh hình con cọp hoặc chiếc xe hơi rồi để bé tự tô màu. Khi bé tô xong, bạn cắt bức tranh thành nhiều mảnh rồi để lẫn lộn với nhau. Tiếp theo, cùng bé ghép các mảnh rời này thành bức tranh như ban đầu. Sau khi ráp xong, bạn dùng băng keo, hồ dán ở mặt sau của bức tranh lại. Bạn cầm nó và giả vờ đưa lại gần con trai: “oào… uồm, bây giờ thì con cọp đang đuổi bắt con nè!”. Hai mẹ con bắt đầu trò chơi mới rồi đấy!
3. Làm tuyết rơi
Trong các phim hoạt hình, trẻ nhìn thấy tuyết rơi nhưng chưa hình dung được một cách cụ thể. Sao hai mẹ con không cùng tạo ra tuyết nhỉ?
Rất đơn giản, hãy dùng một lọ thủy tinh lớn, có miệng rộng, đổ đầy nước. Cho tiếp một vốc kim tuyến vào rồi vặn nắp lọ thật chặt, sau đó lật ngược lọ lên xuống. Lúc này, hai mẹ con có thể thưởng thức những hoa tuyết lóng lánh đang rơi.
4. Vượt chướng ngại vật
Hãy nói với bé: “Giờ con tưởng tượng cái bàn là núi lửa đang phun trào, sàn nhà đầy nham thạch nóng chảy, con không thể đi chân trần được vì sẽ bị bỏng. Mẹ đặt trên sàn nhà những miếng bìa, con sẽ di chuyển trên đó nhé!”.
Bạn để các tấm bìa cứng đủ màu sắc, mỗi tấm cách nhau một ô gạch và được đặt theo hình zig - rag. Bé sẽ bước lên các tấm bìa để đến tủ lạnh lấy nước uống sau khi vượt qua đoạn đường khó khăn hoặc lên cầu thang vào phòng mình. Một, hai, ba… nhảy nào!
5. Leng keng...
Bạn có thể tạo ra trò chơi với âm thanh vui tai bằng cách cho vài đồng xu vào chai nước suối hay hộp sữa rỗng bằng thiếc, vặn chặt nắp.
Lưu ý, đừng để trẻ một mình với món đồ chơi này, chúng có thể mở nắp chai và cho đồng xu vào miệng.
6. “Nào, xem nhà của ai cao hơn nhé!”
Bạn chuẩn bị thật nhiều hộp giấy và cùng bé xếp chúng thành tòa nhà cao tầng. Nhớ hướng dẫn con cách sắp xếp hộp lớn bên dưới, hộp nhỏ ở trên để nhà không bị sụp. Trò này kích thích trẻ tính toán để tòa nhà đứng thật vững.
Theo Tiếp thị & Giađình