Khoa học thực tế bắt nguồn từ sự tò mò của mỗi đứa trẻ về con người và thế giới xung quanh. Ngay ở lứa tuổi mẫu giáo, bé thường liên tục hỏi những câu hỏi “Vì sao”. Đó chính là những hạt mầm của tình yêu khoa học trong bé. Chỉ là nếu sau này không được gieo xới vun trồng, không có môi trường phát triển thuận lợi, những hạt mầm đó có thể bị thui chột.
Vì vậy, bên cạnh những tiết học lý thuyết và thực hành khoa học ở trường, bố mẹ hãy áp dụng những phương pháp rất đơn giản, gần gũi và vui nhộn để nuôi dưỡng và phát triển tình yêu khoa học của con theo năm tháng nhé!
1. THAY ĐỔI TƯ DUY TIẾP CẬN KHOA HỌC - KHOA HỌC KHÔNG CHỈ LÀ LÝ THUYẾT
Khi nhắc tới Khoa học, các bạn nhỏ thường có tâm lý "sợ" vì nghĩ đó là những con số khô khan, những bảng tuần hoàn hóa học hay nguyên lý vật lý khó nhằn. Tâm lý này khiến các bé trốn tránh, ngại tiếp xúc với những thứ liên quan tới khoa học.
Để thay đổi tư duy suy nghĩ đó, bố mẹ hãy thường xuyên trò chuyện và giải thích cho con hiểu những yếu tố khoa học xung quanh bé, ví dụ như vì sao nước lỏng lại đông lại thành đá, vì sao cầu vồng lại xuất hiện sau cơn mưa, vì sao đường/ muối lại có thể tan trong nước. Ở lứa tuổi nhỏ này, ba mẹ khoan hãy nhồi cả tủ sách khoa học cho bé. Hãy cứ cho con chơi vui vẻ và tự nhiên tò mò khám phá theo ý thích của con. Đến khi con cảm thấy khoa học đủ hấp dẫn, con sẽ chủ động tìm kiếm sách đọc để lý giải những thắc mắc của mình.
2. PHÒNG THÍ NGHIỆM KHOA HỌC TẠI NHÀ
Thực tế, khoa học hiện diện trên mọi mặt của cuộc sống xung quanh bé. Các bạn nhỏ ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học thường chưa có kỹ năng tìm tòi và nghiên cứu qua sách vở, vì vậy, bố mẹ hãy đồng hành cùng con, lý giải những thắc mắc của con dưới góc độ khoa học, giúp con tiếp thu tốt hơn thông qua việc lắng nghe và tự trải nghiệm.
Với những nguyên liệu sẵn có đơn giản ở trong nhà, như máy bay giấy, cục đá tan, hay nước nóng, tất cả đều có thể biến thành những bài học khoa học thú vị và gần gũi khi bố mẹ đồng hành cùng bé.
Bé chế tạo Kính vạn hoa - Một dự án trong Hộp Tò Mò tháng 11
3. THỰC HÀNH KHOA HỌC KHI NẤU NƯỚNG
Chuyện nấu nướng thực ra cũng đòi hỏi rất nhiều kiến thức khoa học đó bố mẹ ạ! Bố mẹ hãy để bé cùng vào bếp, vừa giúp bé có tinh thần trách nhiệm với các công việc nhà, vừa giúp con tiếp thu được những kiến thức khoa học từ thực hành.
Khi đun sôi nước, bố mẹ có thể dùng nhiệt kế để bé thấy nước lọc sôi ở nhiệt độ 100°C. Khi cho muối vào ly nước lọc và khuấy lên thì muối tan, vậy là bé đã học được về hiện tượng bão hòa của vật chất. Những công việc tưởng là nhỏ đối với người lớn, nhưng là cả sự háo hức, tò mò khám phá của con đó ạ!
4. HỌC KHOA HỌC KHI ĐI CHƠI
Vào cuối tuần hay vào những kỳ nghỉ, bố mẹ có thể cùng con khám phá thiên nhiên quanh nhà. Đơn giản chỉ là ra vườn rau và ngắm chú sâu đang gặm lá, hay thu thập mẫu đá, chiếc lá vàng rơi, hay vỏ sò, tất cả đều khiến bé hòa mình vào thiên nhiên và tìm hiểu những kiến thức sinh học.
Hiện nay, với sự phát triển của phương pháp STEM trong giáo dục Việt Nam, có rất nhiều triểm lãm, hội trại hay workshop về Khoa học hoàn toàn miễn phí. Bố mẹ có thể dẫn bé tới những sự kiện khoa học đó để giúp con cảm thấy khoa học là trò chơi và thêm yêu khoa học. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể mua những bộ thí nghiệm khoa học, hay những hộp DIY kit để bé vừa học vừa chơi.
Những dự án STEM trong Hộp Tò Mò tháng 11 dành cho bé 9 - 13 tuổi
5. HỌC KHOA HỌC QUA SÁCH TRUYỆN HAY TRUYỀN HÌNH
Các cuốn sách, chương trình truyền hình, hay kênh Youtube giới thiệu rất nhiều thực hành thí nghiệm khoa học từ đơn giản tới phức tạp, rất thú vị với bé đó ạ. Với các bạn tiểu học, bố mẹ có thể cho bé tiếp xúc với phương tiện này 20-30 phút mỗi ngày. Khi bé được xem quá trình sáng tạo ra các vật dụng, các thí nghiệm khoa học, dần dần bé sẽ có động lực muốn bắt chước và thực hành theo đó!
Tuy nhiên, bố mẹ cũng nên lưu ý, trong cuộc sống có nhiều lĩnh vực khác nhau. Có bé sẽ yêu thích khoa học, bé khác lại yêu thích nghệ thuật hơn. Điều quan trọng là phải giúp trẻ có được niềm vui học tập, niềm vui đến trường, và từng bước hình thành kỹ năng tự học phù hợp nhất với mình, chứ không nhất thiết phải ép buộc bé đi theo xu hướng STEM hiện giờ. Bố mẹ hãy là những ông bố bà mẹ thông thái và hiểu con mình nhé!