Các chuyên gia cảnh báo tầng đáy đại dương đang trở thành một trong những "vựa" rác thải nhựa lớn nhất trên Trái Đất.
Các hạt nhựa cực nhỏ đã "chu du" tới những vùng sâu và xa nhất của Trái Đất, cụ thể là tầng đáy của những vùng nước sâu nhất của đại dương, và làm ô nhiễm khu vực này.
Trong công trình nghiên cứu công bố ngày 5/12, các nhà khoa học đến từ Viện Khoa học và công nghệ nghiên cứu đại dương thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc đã tiến hành thu thập các mẫu nước và trầm tích ở các vùng nước sâu 2.500-11.000m và 5.500-11.000m từ rãnh Mariana ở phía Nam. Kết quả cho thấy tỷ lệ các hạt nhựa siêu nhỏ ở tầng đáy là 2,06-13,5 hạt/lít, cao hơn gấp nhiều lần so với vùng nước dưới bề mặt biển.
Trong khi đó, tại các vùng trầm tích sâu của rãnh Mariana, tỷ lệ này lên đến 200-2.200 hạt/lít, cao hơn hẳn so với hầu hết các tầng trầm tích khác dưới đáy đại dương. Tỷ lệ nhựa siêu nhỏ ở các vùng nước sâu 10.903 mét là 11,43 hạt/lít. Kích cỡ của các hạt nhựa ở tầng nước bề mặt dao động từ 1-3mm và ở các tầng trầm tích là 0,1-0,5mm.
Các chuyên gia cảnh báo tầng đáy đại dương đang trở thành một trong những "vựa" rác thải nhựa lớn nhất trên Trái Đất, có nguy cơ gây ra những tác động hủy hoại đối với hệ sinh thái.
Rác thải nhựa từ lâu được biết đến là nguồn sản sinh ra những hóa chất độc hại thấm vào đất và nước, gây hại cho sức khỏe con người. Những nghiên cứu trước đó cho thấy kể từ năm 1950, hơn 9 tỷ tấn nhựa được sản xuất và thải ra đại dương. Tìm ra "đường đi" của nhựa sẽ giúp xác định những tác động của tình trạng ô nhiễm nhựa ở đại dương.
Theo ước tính, đến năm 2025, cứ 3 tấn cá ngoài đại dương sẽ có một tấn rác nhựa và đến năm 2050, lượng rác loại này trên thế giới sẽ lên tới 12 tỷ tấn, nhiều hơn cả số cá trên các đại dương cộng lại./.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam