Như trường hợp bé trai 3 tuổi nhà chị Nguyễn Thị Lương (Tây Hồ, Hà Nội) rất nghịch ngợm, khó bảo và ương bướng. Bé không bao giờ chào hỏi ai dù ngày nào bố mẹ cũng dạy, thậm chí quát mắng, đánh mà bé vẫn không chịu khuất phục.
Đây là vấn đề mà không ít ông bố bà mẹ gặp phải. Tại sao nói mãi, nặng nhẹ đều có mà bé không thay đổi? Đôi khi những đứa trẻ bị mắng rất oan uổng vì lỗi là do chính người lớn.
Trẻ con dưới 6 tuổi chưa có khái niệm đầy đủ về lễ phép hay quy tắc xã giao. Bé chào vì thói quen hoặc vì bố mẹ nhắc chứ bé chưa thể hiểu được không chào là hư. Các con học chào hỏi không phải bằng roi vọt hay quát mắng. Trẻ con học bằng hình ảnh, bằng bắt chước. Muốn con chào hỏi, bố mẹ, người lớn hãy chào con trước đã. Rất nhiều người lớn hỏi trẻ : 'Con chào cô/bác chưa?', trong khi lại chưa chào bé. Như vậy bé sẽ bắt chước, đợi có người chào rồi mới chào, không chào bé, bé cũng không chào lại.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
TS. Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Ông cậu ruột của chị cứ gặp bé gái nhà chị lại khoanh tay chào: 'Ông chào Anh Thư ạ!' Cứ nhiều lần như vậy, khi bé nhà chị Hương mới chỉ đang tập nói nhưng cứ gặp ông là bé chào. Dần dần bé chào tất cả mọi người bé gặp. TS. Thu Hương cho biết : 'Bắt bé phải chào hỏi bằng quát mắng không những bé không chịu chào mà còn ghét phải chào. Vì thế bố mẹ hãy chào con trước, nhờ người lớn, người quen gặp bé thì chào bé trước. Bé sẽ học dần điều đó thành thói quen'.
Nếu bé bướng bỉnh thì bố mẹ chỉ có cách kiên nhẫn và kiên quyết với con. Đánh mắng roi vọt thì không bao giờ trẻ thay đổi được. Chỉ có thể bằng cách nói thì sẽ làm, nếu con không làm cái này thì mẹ sẽ làm thế này. Nếu bố mẹ thực hiện đúng như thế thì chỉ lần thứ 3 bé sẽ rút kinh nghiệm. Nhất là điều bố mẹ làm bé không thích. Ví dụ bố mẹ nói với bé: Nếu con không học bài, con sẽ không được đi chơi. Và khi con ở nhà, bố mẹ giao cho bé nhiều việc còn khổ hơn đi học thì lần sau bé sẽ không lười biếng nữa. Quan trọng nhất là bố mẹ đã nói thì phải thực hiện, nếu không bé sẽ nhờn và càng không nghe lời bố mẹ.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết ông khám bệnh cho rất nhiều trẻ em. Nhiều trẻ vừa vào chỗ nhưng chạy ra ngoài không chịu cho bác sĩ khám. Để giải quyết vấn đề này, ông cứ để bé ngồi bên ngoài xem các bạn khác vào khám. Nó sẽ nhìn theo bạn và sẽ làm theo, sẽ ngồi yên để khám. 'Trẻ con khi phải làm một việc gì mới nó sẽ không thích và phản ứng ngay. Vì thế đừng bắt ép trẻ mà hãy để nó nhìn người khác làm nó sẽ bắt chước theo'.
Để dạy được trẻ nghe lời, điều quan trọng nhất là phải có tấm gương, có thể là bố mẹ, người lớn, bạn bè cùng lứa tuổi.
NT