SKĐS - Giao mùa, số lượng trẻ mắc bệnh hô hấp tăng vọt. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do virus RSV. Loại virus này nguy hiểm như nào? Làm sao để phòng bệnh hiệu quả?
CHIA SẺ
Thời tiết thay đổi, số trẻ mắc nhiễm trùng hô hấp đến khám và nhập viện tăng đột biến. Không khó để thấy các trẻ nhỏ mới chỉ hắt hơi sổ mũi một vài hôm đã chuyển nặng, ho, sốt khò khè ậm ạch do viêm phổi phải nhập viện điều trị, trong số đó có những trẻ rất nặng phải thở oxy, thở máy.... Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do virus RSV.
Virus hợp bào hô hấp RSV gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với khả năng lây lan mạnh.
1. Virus RSV nguy hiểm như thế nào?
Virus RSV (respiratory syncytial virus) hay virus hợp bào hô hấp là một loại virus gây bệnh truyền nhiễm tại đường hô hấp và phổi phổ biến nhất ở trẻ em. Ước tính 60% trẻ mắc trước 1 tuổi và có đến 80% trẻ đã nhiễm RSV khi được 2 tuổi.
Các triệu chứng thường nhẹ giống cảm lạnh, hầu hết hồi phục trong một hoặc hai tuần, tuy nhiên những người có nguy cơ cao có thể bị bệnh nặng như viêm tiểu phế quản, viêm phổi nặng dẫn đến suy hô hấp cấp.
RSV là nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Tại Hoa Kỳ, ước tính 58.000 nhập viện mỗi năm ở trẻ dưới 5 tuổi với 100 - 500 ca tử vong.
Trên toàn cầu, RSV được ước tính gây ra 2,3% trường hợp tử vong ở trẻ sơ sinh từ 0 đến 27 ngày tuổi, 6,7% trường hợp tử vong ở trẻ sơ sinh từ 28 đến 364 ngày tuổi và 1,6% trường hợp tử vong ở trẻ em từ 1 đến 4 tuổi.
Ở độ tuổi 1- 364 ngày tuổi, RSV là nguyên nhân gây tử vong nhiều hơn bất kỳ tác nhân truyền nhiễm đơn lẻ nào khác ngoài sốt rét.
RSV thường gây ra các đợt bùng phát theo mùa trên khắp thế giới. Ở Bắc bán cầu, những đợt dịch thường xảy ra từ tháng 10 hoặc tháng 11 đến tháng 4 hoặc tháng 5 hàng năm với đỉnh điểm vào tháng 1 hoặc tháng 2.
2. Các đối tượng nào có nguy cơ cao nhất mắc bệnh nặng do RSV?
RSV có thể gây nhiễm trùng hô hấp ở mọi lứa tuổi, hầu hết giống với cảm lạnh thông thường, tuy vậy một số đối tượng sau có thể mắc bệnh nghiêm trọng hơn:
- Trẻ sinh non, tuổi thai dưới 37 tuần.
- Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 6 tháng trở xuống. Trên toàn cầu, ước tính khoảng 45% trường hợp nhập viện và tử vong tại bệnh viện do nhiễm trùng hô hấp nặng do RSV xảy ra ở trẻ em dưới 6 tháng.
- Trẻ em dưới 2 tuổi bị bệnh phổi mạn tính hoặc bệnh tim bẩm sinh
- Trẻ em bị suy giảm hệ miễn dịch
- Trẻ bị rối loạn thần kinh cơ, bao gồm cả trẻ khó nuốt hoặc khó tiết dịch nhầy
Ngoài ra: Người già trên 65 tuổi, người lớn bị bệnh tim hoặc phổi mạn tính, người lớn có hệ thống miễn dịch suy yếu.
3. Các dấu hiệu, triệu chứng nhiễm RSV
Các triệu chứng nhiễm RSV có thể giống cảm lạnh trong 1-3 ngày đầu, tuy nhiên bệnh có thể tiến triển nặng hơn sau vài ngày.
Các triệu chứng khởi đầu như:
- Số mũi, hắt hơi
- Giảm cảm giác thèm ăn
- Ho, có thể tiến triển thành khò khè
- Sốt, có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao nhưng cũng thể không có sốt.
Trẻ nhiễm RSV có thể ho sau chuyển khò khè, thậm chí có thể có cơn ngưng thở khi bệnh chuyển nặng.
Khi tiến triển nặng:
- Trẻ thường quấy khóc nhiều, kích thích
- Giảm hoạt động, ăn bú kém, thậm chí có thể có các cơn ngưng thở
- Viêm tiểu phế quản cấp, viêm phổi là các bệnh thường gặp ở trẻ bệnh nặng do nhiễm RSV.
Các báo cáo cho thấy khoảng 2% trẻ dưới 6 tháng sẽ phải nhập viện vì RSV, những trường hợp nhập viện có thể được phải thở oxy hoặc thở máy. Rất may hầu hết trẻ được chăm sóc tốt sẽ ổn hơn sau vài ngày điều trị.
4. RSV gây bệnh hô hấp lây nhiễm ra sao?
Cũng giống như nhiều virus gây bệnh đường hô hấp khác, RSV có thể lây lan khi:
- Người bị bệnh ho hoặc hắt hơi phát tán virus ra môi trường
- Trẻ bị nhiễm các giọt chứa virus khi người bệnh ho hoặc hắt hơi vào mắt, mũi hoặc miệng.
- Trẻ chạm vào bề mặt có virus, như nắm cửa, đồ chơi sau đó đưa tay lên mắt mũi miệng trước khi rửa tay sạch. Virus có thể tồn tại trên các bề mặt hoặc đồ vật trong khoảng 4 đến 7 giờ.
- RSV lây khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người nhiễm thông qua thơm hôn hoặc mớm thức ăn...
Người bị nhiễm RSV thường ủ bệnh từ 4-6 ngày ( khoảng 2-8 ngày) và có thể lây cho người khác trong khoảng 3 - 8 ngày khi có triệu chứng. Một số trẻ nhỏ và người suy giảm miễn dịch, virus có thể tồn tại và tiếp tục lây nhiễm ngay cả khi đã không có triệu chứng trong thời gian lâu nhất là 4 tuần.
Trẻ em thường tiếp xúc và bị nhiễm RSV bên ngoài nhà, chẳng hạn như ở trường học hoặc khu vui chơi, trung tâm chăm sóc trẻ em... Sau đó, trẻ có thể truyền virus cho các thành viên khác trong gia đình.
Nhiễm RSV khiến cho nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện vì thế cần phải thực hiện biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.
5. Làm sao để phòng lây nhiễm RSV?
Cũng giống như COVID-19, con đường lây nhiễm của RSV cũng gần tương tự, nguyên tắc 5K trong phòng lây nhiễm COVID-19 có hiệu quả với mọi loại virus gây bệnh đường hô hấp.
Các điều cha mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ cần lưu ý để hạn chế lây nhiễm RSV như:
- Rửa tay thường xuyên: Hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng nước sát khuẩn tay nhanh. Cha mẹ, người lớn cần rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và cho trẻ ăn, trước và sau khi chăm sóc trẻ bị ốm khác...
- Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay chưa rửa sạch.
- Tránh tiếp xúc gần với người bệnh: Tránh tiếp xúc gần, chẳng hạn như hôn, dùng chung cốc hoặc dụng cụ ăn uống với những người có các triệu chứng giống như cảm lạnh.
- Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi: Che miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo ở khuỷu khi ho hoặc hắt hơi. Vứt khăn giấy vào thùng rác có nắp sau đó.
- Làm sạch và khử trùng bề mặt: Làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật mà mọi người thường xuyên chạm vào như đồ chơi, tay nắm cửa và thiết bị di động... Khi người bị nhiễm RSV chạm vào các bề mặt và đồ vật, họ có thể để lại virus. Ngoài ra, khi họ ho hoặc hắt hơi, các giọt chứa virus có thể rơi xuống các bề mặt và đồ vật.
- Khi bạn bị bệnh: Nếu có thể, hãy ở nhà không đến cơ quan, trường học và các khu vực công cộng. Tránh tiếp xúc gần không an toàn với người có nguy cơ cao, đeo khẩu trang khi cần thiết... Điều này sẽ giúp bảo vệ người khác trong đó có trẻ em khỏi mắc bệnh của bạn.
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu, có một loại kháng thể đơn dòng giúp những đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh nặng được tiêm mỗi tháng một lần vào mùa dịch có thể giúp chống lại virus RSV tốt hơn. Luôn tiêm chủng các mũi vaccine cần thiết và có chế độ dinh dưỡng tốt để cơ thể mạnh khỏe một cách tự nhiên, phòng ngừa bệnh tật.
Tùy tiện sử dụng kháng sinh khiến bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ thêm nguy hiểm
SKĐS - Nếu các bậc cha mẹ thiếu quan tâm, không xử lý kịp thời các bệnh lý về hô hấp có thể đưa đến những hậu quả nặng nề lên sự phát triển thể chất và tâm thần của trẻ, và nguy hiểm hơn là gây tử vong
BS. Trần Đồng
Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc