NHIỄM TRÙNG DA
Da là cơ quan ngoài cùng cơ thể. Đây là một cơ quan có mặt trên hầu khắp cơ thể, từ đầu cho tới chân. Có thể nói rằng đây là hệ thống phòng thủ mạnh nhất và hữu hiệu nhất của cơ thể.
Các bệnh nhiễm khuẩn da thường gặp
Các bệnh nhiễm khuẩn da thường gặp trong mùa hè là nhiễm trùng da do tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn và do nấm da.
Tụ cầu khuẩn gây viêm nang lông.
Bệnh này có đặc điểm xuất hiện những mụn nhỏ lấm tấm, ngay tại vị trí chân lông. Các mụn này có đặc điểm là ban đầu chỉ là một nốt nhỏ sau đó to hơn, tụ mủ ở chính giữa. Sợi lông mọc xiên từ dưới lên chính giữa nốt mụn như thể mụn mủ bao quanh gốc lông. Nốt mụn khá ngứa và ấn thì hơi đau. Tùy thuộc vào nhiễm khuẩn da nông (tức là ở ngay gần bề mặt cơ thể) hay sâu (tận sâu dưới da) mà nốt mụn to hay nhỏ, lâu khỏi hay nhanh khỏi. Nhưng thông thường nếu không có biến chứng gì thì không có hiện tượng rụng lông xảy ra. Bệnh thường gặp ở mặt, da đầu, cẳng chân, cẳng tay, đùi, vùng sinh dục. Khi mọc ở vùng râu cằm thì được gọi là đinh râu.
Liên cầu khuẩn gây ra các bệnh chốc loét, chốc lây trên da.
Vào mùa hè, da ẩm ướt những bệnh này càng có cơ hội phát triển. Nó thường xuất hiện ở những vùng da mất vệ sinh, những cơ thể yếu, có sức đề kháng kém, trẻ em, người bị đái tháo đường… Bệnh thường biểu hiện bằng những phỏng nước nhỏ sau đó hoá mủ. Những dịch của những nốt này có thể lan ra vùng xung quanh và gây ra chốc liên tiếp. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương mà đó là bệnh chốc lây (nếu là tổn thương nông, hay chốc loét nếu là tổn thương sâu). Những tổn thương sâu thì thường để lại sẹo.
Với trẻ em, vào mùa hè, tại những ngấn sâu, nếp gấp sâu hoặc những người béo phì, da vùng này rất ẩm ướt sẽ có hiện tượng viêm da tại vùng nếp gấp được gọi là hăm kẽ. Biểu hiện của bệnh là da đỏ, rát, quầng lên tại những nếp gấp sâu. Hăm kẽ có một đặc điểm là không xuất hiện lây lan trên vị trí cơ thể khác. Do đó các bậc cha mẹ nên chú ý khi chăm sóc da trẻ sơ sinh mùa hè.
Mùa hè còn là mùa thuận lợi cho bệnh nấm da phát triển, tên thường gọi khác là hắc lào.
Nấm hắc lào chính là những dòng nấm ưa nóng ẩm, rất dễ sinh trưởng ở môi trường ướt át như bẹn, mông, nách, ngấn bụng… Do đó bệnh chỉ xuất hiện ở những vùng này trước khi lan sang vùng da khác. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của bệnh đó: dạng tổn thương kiểu khép kín như hình tròn, hình tứ giác, ngũ giác, đa giác và chỉ có tổn thương ở chu vi mà da vùng chính giữa lại hoàn toàn bình thường. Tổn thương là các mụn nước nhỏ li ti, vô cùng ngứa. Sau khi gãi thấy rất xót và lan càng mạnh. Đám hắc lào cứ thế lan ra theo nhiều cách, rộng ra hoặc lan sang vùng da bên cạnh, hình thành nên một đám hắc lào mới.
Nguy cơ không chỉ ở ngoài da
Nhiễm khuẩn huyết: Nguy cơ này ít nhưng thường trực nếu như các tổn thương ngoài da là rộng và dày đặc. Thường xuất hiện ở những vùng nhiều mạch máu như mép, miệng, mặt, cằm. Khi những nốt nhiễm khuẩn xuất hiện dưới dạng một “đinh râu” thì sẽ xuất hiện một hàng rào bảo vệ sinh học là các tế bào miễn dịch bao xung quanh và các dịch ngoại bào đầy kháng thể. Nếu nặn hút quá sớm, ngay từ khi quá trình viêm mới bắt đầu và cấp diễn, các hoạt động miễn dịch đang được huy động thì chúng ta dễ dàng phá vỡ hàng rào sinh học này. Vi khuẩn lợi dụng “vết nứt” trên, xâm nhập ồ ạt vào máu mà cơ thể không thể ngăn trở kịp gây ra nhiễm khuẩn huyết. Nhiễm khuẩn huyết là một biến cố nặng, nó có thể biến một nhiễm khuẩn ngoài da thành một nhiễm khuẩn thứ phát ở gan, tim, não và có thể gây tử vong, đặc biệt ở người già và trẻ em.
Nhiễm khuẩn các cơ quan khác: Da có thể khởi động tạo ra các viêm nhiễm ở màng tim, màng khớp, có thể gây ra viêm xương tủy xương. Việc gây ra những căn bệnh này là do vi khuẩn hoặc phức hợp kháng thể – kháng nguyên của vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể theo đường máu hoặc bạch huyết gây ra viêm tại các cơ quan có mô liên kết giống nhau như màng tim, màng khớp. Ở những đối tượng mà sức miễn dịch kém thì các vi khuẩn có thể theo đường máu tới định cư ở đầu các xương dài và gây ra bệnh viêm xương tủy xương. Các dạng tổn thương này càng hay gặp khi một nhiễm khuẩn da dai dẳng, ăn sâu và có thể lan tới cốt mạc xương.
Có thể là một nguyên cớ cho các bệnh liên quan đến miễn dịch như bệnh eczema hay bệnh lupus ban đỏ.
Xử trí thế nào?
Đứng trước một nhiễm khuẩn da, hai việc cần quan tâm ở đây là ngăn không cho nhiễm khuẩn lan rộng và “ăn” sâu. Để thực hiện hiệu quả cần thực hiện theo các biện pháp dưới đây.
Một là, không được cào cấu, gãi, nặn, chích hay bất kỳ một can thiệp cơ học nào vào vị trí tổn thương quá sớm. Việc cần làm đầu tiên đó là rửa nhẹ nhàng và vệ sinh sạch sẽ. Sau đó lau khô và bôi thuốc sát khuẩn lên bề mặt tổn thương như xanh metylen, hay cồn iốt hữu cơ.
Hai là, việc sử dụng thuốc kháng sinh cần được chỉ định chặt chẽ của bác sĩ.
Chú ý: Các thuốc bôi trên vết nhiễm khuẩn. Khi một vết thương đang sưng, đỏ, rắn thì chỉ được bôi các thuốc dạng nước như dung dịch cồn iốt. Khi các vết thương nhiễm khuẩn lâu liền đang chảy nước cũng chỉ được thấm dung dịch sát khuẩn lên bông gạc và che đậy vào tổn thương mà tuyệt đối không được bôi thuốc mỡ. Chỉ được bôi thuốc dạng kem và mỡ khi tổn thương đã khô và đóng vảy; khi tổn thương nhiễm trùng trên da dai dẳng hàng tuần hàng tháng mà không liền thì nhất thiết phải đi khám và được điều trị.