SKĐS - Vẹo cột sống ở trẻ là một loại dị tật nguy hiểm, đây là dị tật rất hay gặp ở trẻ em bậc tiểu học. Hầu hết các trường hợp vẹo cột sống đều là vẹo nhẹ, nhưng một số trẻ sẽ diễn tiến nặng hơn khi lớn lên.
Vẹo cột sống nặng có thể gây tàn tật cho trẻ, làm giảm thể tích bên trong lồng ngực gây ảnh hưởng xấu đến chức năng hô hấp. Chính vì vậy làm gì để trẻ không mắc tật vẹo cột sống là vô cùng quan trọng.
Vẹo cột sống ở trẻ do đâu?
Nguyên nhân dẫn đến vẹo cột sống khá nhiều. Có ý kiến cho rằng ngày nay tỷ lệ trẻ bị vẹo cột sống gia tăng là do trẻ mang cặp sách khá nặng. Tuy nhiên, điều này không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến nguy cơ vẹo cột sống.
Ở độ tuổi trẻ đến trường việc ngồi sai tư thế cũng là lý do trọng yếu khiến trẻ mắc dị tật này. Tư thế thường thấy nhất là ngồi lệch nghiêng một bên, ngồi vẹo người đi, lâu dần cột sống thay đổi cho thích hợp với dáng ngồi của trẻ, dẫn đến tình trạng lệch, vẹo. Tương tự, nguyên nhân tiếp theo là do bàn ghế không hợp lứa tuổi trẻ cũng có ảnh hưởng tương tự. Trẻ ngồi học không thoải mái, không có điểm tì, tựa hợp lý sẽ rất dễ bị vẹo cột sống. Môi trường phòng học của trẻ thiếu sáng hoặc bảng đen bị chói cũng ảnh hưởng đến cột sống trẻ.
Trẻ nghỉ học dài ngày nên sử dụng các thiết bị điện tử nhiều hơn
Đặc biệt, một nguyên nhân gián tiếp khiến không ít bậc phụ huynh giật mình, đó là trẻ ít vận động, thích xem tivi, chơi máy tính… cũng dễ bị cong vẹo cột sống. Hơn nữa tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, trẻ nghỉ học dài ngày nên việc sử dụng các thiết bị điện tử như xem tivi, chơi máy tính, điện thoại… nhiều hơn, thường có tư thế ngồi sai.
Bên cạnh đó việc thiếu vận động, vui chơi ngoài trời hay tập thể thao còn gây căng thẳng thần kinh, quá tải cho hệ cơ xương. Nếu kéo dài điều này, cột sống cũng dễ bị cong vẹo.
Cha mẹ làm gì để phòng cong vẹo cột sống cho trẻ
Để phòng cho trẻ không bị cong vẹo cột sống, cha mẹ không chỉ chăm sóc bé ở tuổi học đường mà cần chú ý bé từ khi mới sinh. Việc đầu tiên là theo dõi và cho bé khám định kỳ để được tiêm chủng lao và bại liệt, những bệnh vốn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống bé khi lớn lên.
Ngoài việc không để trẻ mang nặng, xách nặng, lao động sớm… thì trong độ tuổi đi học cần chuẩn bị cho bé một góc học tập có đủ ánh sáng với bàn ghế phù hợp lứa tuổi.
Tuyệt đối không để bé nằm lăn ra sàn học, hoặc ngồi gù lưng trên chiếc bàn thấp không đúng tư thế hoặc tận dụng bàn học từ thời lớp 1 đến khi bé lớn hơn vẫn dùng.
Trẻ ngồi học cha mẹ phải luôn nhắc bé giữ tư thế ngay ngắn, không vẹo đầu, xoay vặn người, ngồi lệch… dù thoải mái theo ý bé nhưng sẽ gây tác hại lớn đến cột sống sau này.
Tư thế ngồi đúng giúp trẻ tránh được các bệnh về xương sống và khúc xạ.
Ngoài ra, thay vì bé dùng loại cặp xách một bên gây lệch người thì cho bé mang ba lô đeo sau lưng với hai quai bản rộng, lót mút đệm để phân tán lực tốt hơn. Hoặc cũng có thể dùng loại ba lô có bánh xe để bé đỡ phải mang vác, chỉ cho con đeo cặp những lúc cần thiết với sách vở thiết yếu nhất, hạn chế thời gian đeo vác nặng lâu… dễ gây cong vẹo cột sống.
Bên cạnh đó, cho trẻ có thời gian vận động thể dục thể thao, chơi đùa ngoài trời, giúp cho cột sống cơ thể mềm dẻo. Thời gian dịch bệnh nghỉ tại nhà thì tập thể dục vẫn phải được duy trì, có thể nhờ bé giúp mẹ làm các việc vặt như tham gia việc dọn nhà, lau bàn ghế, phụ làm việc vặt… để hạn chế bé xem ti vi, điện thoại, máy tính... giúp bé vận động nâng cao sức khỏe, thể trạng.
Việc ăn uống đủ các chất dinh dưỡng cũng vô cùng quan trọng cho sức khỏe cũng như hệ xương khớp. Hằng ngày cho bé ăn bổ sung các thực phẩm giầu canxi, cũng như các vitamin cần thiết …
Ở lứa tuổi học đường, xương trẻ vẫn còn mềm dẻo nên khi có vấn đề vẫn còn khắc phục được. Vì thế, cũng nên cho trẻ khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện ra tật cong vẹo cột sống nếu có và khắc phục, chữa trị ngay. Nếu không khi lớn việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hồng
Chia sẻ facebook