Mùa hè, khoa nhi các bệnh viện và bệnh viện Nhi TW luôn trong tình trạng quá tải. Rất nhiều bệnh nhi đến khám và điều trị các bệnh do viêm họng, viêm phế quản, tiêu chảy, sốt không rõ nguyên nhân. Theo khuyến cáo của các BS, thời tiết nắng nóng kéo dài là nguyên nhân chính gây bệnh cho trẻ.
Bên cạnh đó, BS cũng lưu ý các bậc phụ huynh phải đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Bởi nếu trẻ được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng thì sức đề kháng của trẻ sẽ tăng lên đáng kể, giảm nguy cơ mắc bệnh tật.
Thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều bậc phụ huynh cho trẻ ở trong phòng điều hoà quá nhiều khiến khi ra ngoài trời trẻ không thích nghi với sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ nên dễ bị viêm họng, sốt. Ngoài ra, bệnh tiêu chảy ở trẻ cũng là vấn đề đáng lo ngại trong mùa hè.
Hầu hết các bà mẹ hiện nay đều vừa nuôi con nhỏ lại vừa phải đi làm nên thường có thói quen nấu 1 lần cho con ăn cả ngày. Theo BS Nguyễn Văn Lộc, Phó GĐ BV Nhi TW, chính sự “tiện thể” của cha mẹ là một trong những nguyên nhân gây bệnh cho trẻ.
Bởi mùa hè nếu thức ăn dù đã nấu chín nhưng không được bảo quản đúng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Mặt khác, việc nấu 1 lần cho trẻ ăn cả ngày đôi khi không đảm bảo đủ lượng sinh dưỡng trong ngày cho trẻ và việc cả ngày phải ăn một loại thức ăn cũng khiến trẻ biếng ăn.
Do vậy, theo khuyến cáo của BS thì các bậc phụ huynh phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của trẻ, đặc biệt là vào mùa hè.
Thường xuyên đổi món cho trẻ để được bổ sung đủ chất dinh dưỡng giúp tăng cường sức đề kháng.
Tại hội thảo cập nhật kiến thức chăm sóc trẻ vừa được tổ chức tại Hà Nội, bà Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết: 60% trẻ suy dinh dưỡng tới khám tại TT tư vấn dinh dưỡng trong thời gian qua là do cha mẹ thiếu kiến thức trong chăm nuôi trẻ. Theo đó, sai lầm thường gặp của các bậc phụ huynh là sử dụng kiến thức kiểu truyền miệng, thiếu căn cứ khoa học, cho trẻ ăn không đủ chất và lượng, thiếu dầu mỡ trong khẩu phần ăn.
Đồng tình với quan điểm trên, BS Nguyễn Văn Lộc cho biết: Trẻ nhỏ, hệ miễn dịch còn yếu do da mỏng, phản xạ hắt hơi, ho còn yếu, chức năng của đường ruột chưa hoàn chỉnh và khả năng sản xuất ra các kháng thể còn hạn chế nên nguy cơ mắc bệnh ở trẻ nhỏ thường cao hơn người lớn rất nhiều.
Đặc biệt là vào mùa nắng nóng, do tác động của thời tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi trùng có hại phát triển. Chúng không chỉ xâm nhập vào thức ăn, môi trường mà còn xâm nhập vào cơ thể con người bằng nhiều con đường khác nhau, trong đó chủ yếu là qua mũi họng, qua da, qua đường ruột và qua nước tiểu thông qua tiếp xúc trực tiếp của chân tay, miệng, do bệnh nhân bị viêm họng, viêm phế quản, viêm ruột, nhiễm trùng nước tiểu...
Để giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ thì việc quan trọng nhất là tăng khả năng miễn dịch, BS Lộc cho biết. Muốn vậy phải đảm bảo cho trẻ chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Mùa hè, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời sẽ cao hơn nhiệt độ cơ thể rất dễ làm cho trẻ mất nước, mệt mỏi, ăn uống kém.
Do vậy, cần cho trẻ ăn hoa quả chứa nhiều vitamin C và các loại thực phẩm giàu chất đạm như sữa mẹ, sữa bò, trứng, thịt... Với trẻ nhỏ, cha mẹ phải lưu ý là chất béo phải luôn chiếm từ 25-30% trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Nước cũng rất quan trọng với cơ thể. Nó có vai trò điều hòa thân nhiệt vì vậy cần cho trẻ uống đủ nước để vừa giảm nóng vừa bù vào lượng nước bị mất do mồ hôi tiết ra. Tuy nhiên, không cho trẻ uống nước để trong tủ lạnh, nước đá vì dễ gây viêm họng, thực hiện ăn chín uống sôi, vệ sinh thân thể sạch sẽ để phòng bệnh tiêu chảy, bệnh truyền nhiễm...
Trong trường hợp trẻ đang nằm viện điều trị thì việc bổ sung các chất dinh dưỡng lại càng quan trọng hơn. Hiện có rất nhiều bà mẹ áp dụng chế độ ăn kiêng vì cho rằng con mình đang bị tiêu chảy hay bị 1 bệnh nào đó thì cơ thể không hấp thụ được hết nên cho ăn con kiêng khem. Quan niệm trên hoàn toàn sai lầm vì chính việc bắt trẻ ăn kiêng khiến cho cơ thể chúng bị thiếu chất dẫn đến sức đề kháng kém lại phải dùng kháng sinh thì việc lâu khỏi bệnh hoặc suy dinh dưỡng trầm trọng là điều khó tránh khỏi.
Hoặc có bà mẹ thấy con bị bệnh nên ra sức nhồi nhét mà không quan tâm đến khả năng hấp thụ của trẻ. Điều tối kỵ với trẻ là không đưa quá nhiều mỡ vào thức ăn của trẻ, phải cân bằng chất đạm, protein, sắt, chất xơ... và vitamin các loại để trẻ có đủ chất, phát triển toàn diện.
Theo Giáo dục và Thời đại