1. Dạy trẻ về đạo đức
Trẻ con trên khắp thế giới thích nghe kể chuyện. Chúng muốn biết nhiều hơn về nhân vật yêu thích và thường bắt chước theo họ. Nếu câu chuyện đi kèm thông điệp ý nghĩa, bạn có thể khắc sâu vào đầu con từ sớm những phẩm chất tốt như lòng can đảm, sự thật thà, trí thông minh...
2. Ý thức về nguồn gốc và văn hóa
Những câu chuyện về tuổi thơ của bạn giúp con cảm thấy gần gũi hơn với truyền thống, văn hóa của dân tộc hoặc của gia đình. Trẻ có thể so sánh với hiện tại để biết sự khác nhau.
3. Giúp trẻ nói năng lưu loát hơn
Khi đọc to một câu chuyện, bạn đang để con làm quen với ngôn ngữ, học được những từ mới, cách diễn đạt hay. Nhờ nghe nhiều, trẻ cũng sẽ phát âm rõ ràng hơn.
4. Cải thiện kỹ năng nghe
Đa số trẻ chỉ tập trung trong thời gian ngắn, cảm thấy khó khăn khi phải theo dõi một câu chuyện dài. Do đó, trẻ có thể nói nhiều nhưng không dành thời gian nghe người khác nói.
Việc kể chuyện không chỉ giúp trẻ cải thiện khả năng chú ý mà còn khiến chúng thích lắng nghe để thấu hiểu.
5. Khuyến khích khả năng tưởng tượng và sáng tạo
Thay vì xem phim hoạt hình với hình ảnh, âm thanh sống động, trẻ có thể phát triển trí tưởng tượng về các nhân vật, địa điểm trong một câu chuyện. Suy nghĩ tự do cũng giúp trẻ sáng tạo hơn, không theo khuôn mẫu.
6. Công cụ để rèn luyện trí nhớ
Bằng cách sử dụng các ý tưởng thông minh, bạn có thể tận dụng việc kể chuyện để rèn trí nhớ cho trẻ. Mỗi lần đọc to một câu chuyện vào giờ đi ngủ, bạn hãy yêu cầu con kể lại sau vài ngày hoặc phát triển câu chuyện theo ý mình. Trẻ sẽ tập trung hơn khi thường xuyên được giao nhiệm vụ này.
7. Mở rộng phạm vi hiểu biết
Trẻ nhỏ chưa nhận thức về các nước hoặc các nền văn hóa trên thế giới. Bạn hãy lựa chọn những câu chuyện đơn giản nhưng đa dạng, về nhiều chủ đề hoặc nhiều quốc gia.
8. Việc học tập trở nên dễ dàng hơn
Nghe kể chuyện là một bước thang trên chặng đường học tập của trẻ. Nhiều học sinh có thói quen học vẹt, không thực sự hiểu nội dung. Khi kể chuyện trở thành hoạt động thường xuyên, trẻ sẽ thích thú với những gì mình đọc được.
Ngoài ra, nếu trẻ không thể tiếp thu môn lịch sử ở trường, bạn có thể biến thành chuyện kể để trẻ háo hức và tò mò hơn.
9. Giao tiếp tốt hơn
Đôi khi, trẻ ngần ngại đặt câu hỏi dù vô cùng tò mò. Nghe kể chuyện thường xuyên, được bố mẹ đặt nhiều câu hỏi, trẻ học được thói quen này. Không chỉ cải thiện giao tiếp hàng ngày, nhiều trẻ còn phát triển khả năng diễn thuyết, hùng biện.
10. Dễ đối mặt với tình huống khó khăn
Trẻ con thường ngây thơ và bối rối trước tình huống khó khăn. Những câu chuyện với rất nhiều nhân vật và nghịch cảnh trong đó giúp trẻ hình dung tốt hơn về những rắc rối. Phụ huynh nên kể cho con cả chuyện buồn lẫn chuyện vui nhiều như nhau, nhằm giúp con trang bị tốt hơn cho cuộc sống phức tạp.