Hưởng ứng phong trào thi đua viết về tấm gương tiêu biểu gắn liền với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tôi xin được chia sẻ về một tấm gương tiêu biểu – một người hàng xóm, với sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, lòng nhiệt tình và giàu lòng nhân ái của một giáo viên đã nhiều năm cống hiến trong nghề. Đó là bà Nguyễn Thị Sung. Sinh năm 1949 – Bà là một giáo viên cấp 1 đã về hưu.
Tôi biết bà từ khi tôi đến ở cạnh nhà bà, tôi thường quan sát công việc của bà và nghe được câu chuyện về bà. Bà sinh ra và lớn lên ở làng Vựa - Tình Quang, nay là Phường Giang Biên, Hà Nội. Nhà bà nghèo và đông anh em. Vì tình yêu trẻ, bà đã đi học và về dạy trẻ ở chính cái nơi mà mình sinh ra, nơi mà hàng năm nước lũ vẫn ngập đầy nhà ấy. Quê hương nghèo, con người chất phát nhưng không làm lay chuyển ý chí và tình yêu nghề trong bà. Bà kể rằng, cái thời chiến tranh ấy, nghề giáo chẳng có ai thèm theo đâu, đi học đã vất vả rồi mà khi đi dạy còn chẳng có người đi học ấy. Bà theo học khi cả nhà ngăn cấm, ăn chẳng đủ no lấy đâu tiền cho bà đi học. Vậy mà bà có nản chí đâu, ngày cơm nắm muối vừng đi học, chiều tối lại ra đồng làm việc cho bố mẹ để lấy cái ăn cho các em. Bà hiểu rằng chỉ có con chữ mới giúp con người bớt khổ, vậy là bà đi học để khai hoang cái chữ, giúp dân làng mình mở mang hiểu biết. Bà bảo: Nghề giáo là một nghề rất đặc biệt, là nhà giáo nhưng không chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ”, không chỉ giáo dục mà còn chăm sóc và hơn hết đây là nghề làm vì “tình yêu”.
Bây giờ thì tuổi bà đã cao, khuôn mặt bà khắc khổ, làn da nâu cũng làm cho tôi hiểu thêm về sự khó khăn cũng như vất vả của bà, bà đã cống hiến hơn 30 năm trời cho sự nghiệp trồng người của đất nước nhưng với tình yêu nghề, bà luôn làm cho chúng tôi-những người trẻ, được sống trong thời bình hiểu được giá trị của cuộc sống.
Hình ảnh bà cặm cụi bên những trang sách đã cũ.
Có lần tôi sang nhà bà chơi khi bà vừa đi làm ruộng về, bà hỏi trêu tôi rằng: Có khi nào chán nghề chưa? Tôi chỉ cười trừ rồi lén nhìn ra phía khác. Bà bảo rằng: Công việc này là giúp ích cho đời, mà không phải ai cũng dám dấn thân và theo được nó. Chỉ có những người yêu trẻ, mến trẻ, hiểu được trẻ và sẵn sàng hòa mình vào trẻ thì mới trụ được với nghề thôi nên dù có thế nào thì cháu cũng phải theo nghề nghe chưa. Giờ đây, khi đã về hưu, bà vẫn dành những đồng lương hưu ít ỏi của mình để giúp những hoàn cảnh khó khăn nơi mình sống để có cơ hội được đến trường. Bà nói rằng chỉ có học, học và học mới giúp mình phát triển được thôi.
Bà sống giản dị lắm, căn nhà đơn sơ chẳng có gì ngoài đống sách cũ kĩ mà tôi thấy bà để ngăn nắp trong 1 cái hòm gỗ nhỏ. Bà bảo đây là tất cả gia tài của bà đấy. Bà luôn sống hòa đồng cùng mọi người xung quanh. Có mớ rau trồng được bà cũng chia sẻ cùng mọi người. Giờ đây, bà lại hăng say lao động khi vẫn còn sức khỏe.
Hình ảnh bà Sung đang tham gia trồng lúa tại địa phương.
Cứ chiều về, khi lũ trẻ con đi học về là bà lại gọi vào và cho kẹo, hỏi han việc học rồi còn động viên chúng. Bà bảo bà chẳng có gì ngoài tri thức nên trong học tập có gì không hiểu bà sẽ kèm cặp thêm cho, miễn sao các cháu thích đến trường, yêu trường, yêu thầy cô và bè bạn là được. Tôi quý bà bởi lối sống giản dị ấy, không cầu thực, vụ lợi hay toan tính. Nếu cho tôi chọn lại nghề thì tôi vẫn muốn chọn nghề giáo. Tôi sẽ cố gắng học tập và cống hiến cho nghề để không hổ danh là 1 nhà giáo, giống như bà. Đất nước sẽ cảm ơn bà vì sự hi sinh, cống hiến cho sự nghiệp trồng người này.