Biếng ăn ở trẻ không phải là một bệnh mà có thể là biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau. Các bậc phụ huynh cần theo dõi cả biểu hiện bên ngoài và những chỉ số cơ thể của trẻ, hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến biếng ăn để biết cách bổ sung dinh dưỡng khoa học giúp trẻ ăn ngon, phát triển toàn diện.
Đó là kết luận rút ra từ những tư vấn của PGS.TS Lê Bạch Mai – Nguyên Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia và PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà – Trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi Trung ương trong chương trình truyền hình trực tuyến "Giải pháp cho trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng" do Báo điện tử Sức khoẻ&Đời sống thực hiện ngày 23/10.
Theo khuyến cáo của WHO cha mẹ nên theo dõi chiều cao và cân nặng của trẻ trong vòng 5 năm đầu của cuộc đời. Nếu chỉ tăng trưởng về cân nặng và chiều cao là chưa đủ, các bé muốn phát triển toàn diện phải bổ sung đầy đủ các vi chất dinh dưỡng và năng lượng cũng như các yếu tố vi lượng.
Tuy nhiên, trẻ thiếu các yếu tố vi lượng cha mẹ thường không nhận định được. Một số trường hợp có triệu chứng gợi ý như thiếu vitamin D trẻ quấy khóc, rụng tóc, nặng hơn là biến dạng xương.
Nếu để tình trạng biến dạng xương xảy ra thì các bác sĩ dinh dưỡng hay nhi khoa cũng không can thiệp được. Do vậy, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để các bác sĩ căn cứ vào việc khai thác khẩu phần dinh dưỡng và chỉ số nhân trắc sẽ đánh giá các dấu hiệu để quyết định làm xét nghiệm gì bởi để chẩn đoán thiếu vi chất khó nhận định bằng triệu chứng lâm sàng.
Bên cạnh đó, suy dinh dưỡng (SDD) không chỉ biểu hiện ở việc bé chậm phát triển về cân nặng và chiều cao mà còn có thể là tình trạng tăng trưởng quá mức.
Trước đây tỷ lệ SDD ở nước ta nằm trong mức từ 30-35%. Những năm gần đây, với chiến lược và chương trình dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia và các nhà nhi khoa đã giảm tỷ lệ SDD xuống còn 20-25%. Tuy nhiên song song với sự phát triển của xã hộ, những món ăn Tây phương và phương pháp dinh dưỡng không phù hợp dẫn đến một số em bé ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM bị thừa cân và béo phì, đó được xem như là một tình trạng dinh dưỡng bất thường. +2 SD (chỉ tiêu cân nặng theo tuổi) độ lệch chuẩn thì gọi là thừa cân, mà +3 SD thì là béo phì.
Do vậy cha mẹ cần quan tâm hơn đến trẻ, bởi SDD không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe hiện tại của bé mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe trong tương lai của các em sau này, ngoài ra còn gây ra các bệnh không lây nhiễm do vấn đề thừa cân gây nên.
Chương trình THTT "Giải pháp cho trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng" do Báo điện tử Sức khoẻ&Đời sống thực hiện ngày 23/10.
Để cải thiện tình trạng biếng ăn, SDD của trẻ từ sớm, các cha mẹ cần lưu ý một số điều sau đây:
- Cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu, bú theo khả năng của trẻ, nhưng phải cho trẻ bú theo cữ. Nếu cho bé bú liên tục mà chỉ bú ít đoạn sữa đầu thì trẻ không nhận đủ được các chất dinh dưỡng từ sữa mẹ. Bé sơ sinh đủ tháng nên ăn 8-10 cữ một ngày, mỗi cữ ăn cách nhau 2 tiếng các bé sẽ có thời gian ngủ, bà mẹ cũng có thời gian tái tạo lại sức khỏe.
- Trẻ cần ngủ đủ giấc. Nếu trẻ ăn ít, quấy khóc nhiều, ngủ không đủ giấc sẽ không tăng cân được.
- Đến giai đoạn ăn bổ sung, việc ăn dặm tự chỉ huy chỉ là tập các kỹ năng cho trẻ, cha mẹ phải là người lựa chọn thực phẩm. Một số bà mẹ thực phẩm nào cũng xay nhuyễn hoặc ngược lại để thô hoàn toàn, nếu tất cả thực phẩm đều xay nhuyễn sẽ ra một thứ bột rất nồng. Dù thay đổi các món nhưng trẻ không cảm nhận được sự khác biệt của các loại thức ăn, một thời gian sẽ biếng ăn.
- Cho trẻ ăn các thức ăn phù hợp với độ tuổi. Nếu độ mềm của thức ăn không phù hợp, răng không nhai được sẽ không phát triển các mầm răng, các tuyến tiêu hóa không tiết ra enzym để tiêu hóa thức ăn được cho nên ăn vào sẽ gây hiện tượng đầy ứ và khó chịu, do vậy các bé sẽ không nhận đủ được năng lượng để đảm bảo sự tăng trưởng.
- Tập cho trẻ ăn từ thức ăn thô đến thức ăn tinh, tập ăn từ ít đến nhiều, từ thức ăn dễ tiêu hóa đến thức ăn ít tiêu hóa hơn, đặc biệt là mỗi loại thực phẩm có ưu điểm riêng, việc phối hợp các loại thực phẩm chính là làm tối ưu hóa bữa ăn của trẻ để đảm bảo trẻ nhận đủ năng lượng, các vitamin và khoáng chất để bé phát triển toàn diện.
- Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể bổ sung thêm sữa công thức với hàm lượng phù hợp cho trẻ, đặc biệt là những sản phẩm có chứa các dưỡng chất thiết yếu như: 2'-FL HMO, Kẽm, Lysine, Canxi Nano, D3, K2, vitamin A, C, E…với hàm lượng dựa trên tiêu chuẩn, kích thích bé ăn uống ngon miệng hơn, giúp giảm tình trạng biếng ăn ở trẻ.
Việt Hồng