SKĐS - Ngộ độc thực phẩm (NĐTP) là vấn đề thường gặp, nhiều trường hợp nhẹ thì rối loạn tiêu hóa, nặng thì dẫn đến tử vong. Vậy nguyên nhân chính của ngộ độc thực phẩm là gì? Cách xử trí khi gặp tình trạng ngộ độc thực phẩm tại nhà như thế nào?
NĐTP có những dấu hiệu và triệu chứng thường gặp như: buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy... và một vài trường hợp có thể sốt, đau cơ, ớn lạnh. Nên đi khám nếu có các dấu hiệu nặng như: thường xuyên nôn ói, nôn ra máu hoặc đi tiêu ra máu, tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày, đau bụng dữ dội, sốt cao liên tục, tiểu ít hoặc không đi tiểu, tầm nhìn giới hạn, yếu liệt cơ, khó thở, lơ mơ...
Khi ngộ độc thức ăn, điều quan trọng là cần phải nôn hết thức ăn đã ăn vào, có thể uống nước muối pha loãng hoặc dùng tay rửa sạch đặt vào lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn. Với người bệnh là trẻ em, người lớn ngộ độc đã hôn mê thì không nên kích thích gây nôn vì dễ gây sặc, nghẹt thở.
NĐTP do đâu?
Do vi khuẩn: Với các thực phẩm là rau quả, ngũ cốc, hạt, sữa và các sản phẩm thì các loài tụ cầu, Bacilus cereus, Campylobacter fetus hoặc yersinia enterocolitica là nguyên nhân gây ngộ độc.
Với nguồn nước không sạch, thì E.coli (cả loài sinh độc tố và xâm nhập), các loài Shigella, Salmonella enteritis, Y. enterocolitica, C.fetus, hoặc Vibrio cholera... gây ra ngộ độc.
Với các loại thịt và trứng, đặc biệt là thịt đã qua quá trình xử lý, thịt được nấu không kỹ, bảo quản lạnh không đầy đủ hoặc vận chuyển không đúng dễ bị nhiễm khuẩn. Các loại bánh ngọt có kem hoặc có sữa - trứng và các sản phẩm có trứng khác bị nhiễm các vi khuẩn với số lượng đạt tới mức độ có thể gây bệnh. Trong các loại thực phẩm này, các vi khuẩn thường là các tụ cầu, C.perfringens, B.cereus, các Salmonella và Campylobacter jejuni.
Do virus: Viêm dạ dày - ruột do virus xuất hiện nhiều hơn số được phát hiện, các nguyên nhân đã được xác định gồm có: Virus Norwalk, Rotavirus, Adenovirus đường ruột, Calcivirus.
Do ký sinh trùng: Do ăn phải thực phẩm bị nhiễm ký sinh trùng như: rau quả sống, nước lã, thức ăn bị nhiễm phân có kén amip hoặc ấu trùng.
NĐTP do hóa chất trong thực phẩm: Bao gồm các chất phụ gia, chất bảo quản, chất điều vị, chất ngọt tổng hợp, chất màu tổng hợp. Ngoài ra, các chất ô nhiễm như hóa chất bảo vệ thực vật, các kim loại nặng, các dioxin, chất đồng vị phóng xạ và chất độc màu da cam cũng là các tác nhân ô nhiễm trong thực phẩm gây ngộ độc nguy hiểm và lâu dài.
Cần thực hiện nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm để phòng ngộ độc.
Cách xử trí đúng khi bị NĐTP
Trước tiên, phải hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể bằng cách ngừng ngay ăn uống và khẩn trương loại bỏ, tống xuất thức ăn nghi gây ngộ độc ra ngoài cơ thể bằng cách gây nôn. Cách gây nôn đơn giản là dùng tay móc họng, hoặc dùng lông gà ngoáy họng, uống nước mùn thớt, uống nước muối (2 thìa canh muối pha với cốc nước ấm) hoặc uống đầy nước rồi móc họng để kích thích gây nôn. Tuy nhiên, khi sơ cứu bằng cách gây nôn cho trẻ, cần phải lưu ý móc họng trẻ cho khéo, tránh làm xây xát họng trẻ. Phải để trẻ nằm đầu thấp, nghiêng đầu sang một bên rồi móc họng để trẻ nôn thức ăn ra. Không để trẻ nằm ngửa và nôn vì như vậy có thể gây sặc lên mũi, xuống phổi và rất dễ dẫn đến tử vong. Trong quá trình gây nôn, phải luôn dùng khăn để lau chùi. Móc sạch thức ăn trẻ nôn ra rồi dùng khăn mềm lau sạch miệng trẻ.
Bù nước cho bệnh nhân: Sau khi gây nôn nên cho người bị ngộ độc uống 1 tuýp than hoạt hoặc uống nước oresol bù điện giải. Nếu người bị ngộ độc nôn, tiêu chảy mất nước nhiều thì cần tăng lượng nước oresol hoặc nước lọc uống bù cho việc mất nước.
Lưu ý: Đối với tất cả các trường hợp bị ngộ độc, sau khi sơ cứu tại chỗ đều phải đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được nhân viên y tế xử trí kịp thời hoặc cho hướng dẫn phù hợp. Tuyệt đối không được cho người bị ngộ độc uống thuốc cầm tiêu chảy. Cần lưu giữ thức ăn nghi gây NĐTP để giúp việc xác định nguyên nhân gây ngộ độc và định hướng tìm chất trung hòa độc tính nếu có.
Cách phòng tránh
Để hạn chế NĐTP hiệu quả, cần có thể áp dụng những cách sau đây: Ăn thức ăn thịt cá tươi sống, rau quả tươi, trứng còn nguyên vẹn không nứt vỏ, không ăn trứng cũ. Không ăn đồ hộp đóng gói, nếu ăn phải nấu chín kỹ các thức ăn đồ hộp trước khi ăn. Những thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn Salmonella, cần chú ý khi nấu ăn. Không ăn bơ, sữa hay các sản phẩm từ bơ sữa để quá lâu.
Thịt cá tươi cần bỏ vào bao sạch để vào ngăn đá của tủ lạnh. Nếu lấy ra nấu thì cần ăn hết, không nên lấy ra rã đông rồi cất lại để dành. Thức ăn để tủ lạnh chỉ dược 1-2 ngày là không nên ăn nữa vì vi khuẩn có thể sinh sản trong đó. Thức ăn có mùi lạ phải bỏ đi. Không ăn cá thịt ươn hay vừa mới bắt đầu ươn. Giữ gìn đôi tay sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn. Cẩn thận khi ăn uống dọc đường. Giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh.
ThS. Nguyễn Hải