Trò chơi ô ăn quan là gì? Ô ăn quan là trò chơi dân gian giúp trẻ rèn luyện khả năng suy nghĩ logic, tính toán nhanh và đoàn kết tập thể. Vì vậy, người lớn nên tổ chức trò chơi này cho các bé, nhất là những bé mẫu giáo, tiểu học. Cách chơi được trình bày dưới đây.
1. Trò chơi ô ăn quan là gì? ra đời khi nào?
Hiện chưa rõ nguồn gốc cũng như thời điểm bắt đầu nhưng chắc chắn rằng Ô ăn quan đã có ở Việt Nam từ rất lâu đời.
Những câu chuyện lưu truyền về Mạc Hiển Tích đỗ Trạng nguyên năm 1086 nói rằng ông đã có một tác phẩm bàn về các phép tính trong trò chơi Ô ăn quan và đề cập đến số ẩn (số âm) của ô trống xuất hiện trong khi chơi.
Ô ăn quan đã từng phổ biến ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam nhưng những năm gần đây chỉ còn được rất ít trẻ em chơi. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có trưng bày, giới thiệu và hướng dẫn trò chơi này.
2. Những trẻ nào phù hợp với trò chơi ô ăn quan?
Ô ăn quan là trò chơi dành cho mọi người, cả người lớn và trẻ em. Đặc biệt là những trẻ 4-5 tuổi hay trẻ cấp 1 đang trong thời kỳ phát triển trí não và học các phép toán cơ bản.
3. Số lượng người chơi ô ăn quan là bao nhiêu?
Số lượng người chơi ô ăn quan phổ biến nhất là 2 người. Ngoài ra, có thể chơi 3 người và 4 người cùng một lúc.
4. Nên chơi trò ô ăn quan ở đâu?
Chơi ô ăn quan không cần không gian quá lớn vì trẻ chỉ ngồi một chỗ, không phải chạy nhảy, di chuyển nhiều. Muốn chơi ô ăn quan chỉ cần chuẩn bị một mặt phẳng đủ rộng để vẽ bàn chơi là được.
5. Hướng dẫn cách tổ chức trò chơi ô ăn quan
Chuẩn bị:
Có từ 2 – 4 trẻ, nếu đông hơn thì phân thành nhiều đội chơi.
Diện tích chỗ chơi không đòi hỏi rộng rãi như các trò chơi khác nhưng cần bằng phẳng.
Dùng 50 viên sỏi rửa sạch hoặc hạt của một vài loại quả đã rửa sạch (hạt trám, hạt vải, hạt mít, hạt hồng,…) làm quân và 2 viên to hơn (khác về hình dạng hoặc màu sắc) để làm quân cái (quan).
Vẽ một hình chữ nhật, chiều rộng khoảng 40cm, chiều dài khoảng 90 cm. Ở hai đầu của hình chữ nhật vẽ hình bán nguyệt. Chia hình chữ nhật thành 10 ô nhỏ. Ô bán nguyệt ở 2 phía đầu gọi là ô quan. Ngoài ra có thể thay đổi thành hình tam giác, hình vuông để phù hợp chơi 3 và 4 người.
Luật chơi:
Mỗi người ngồi một bên của hình chữ nhật và được sở hữu 5 ô nhỏ trước mặt của mình, chỉ được quyền di chuyển những quân trong ô của mình, không được bốc quân ở ô cái để đi, mỗi lần đạt vào ô 1 quân.
Ván chơi kết thúc khi 2 ông quan bị ăn hết (không còn ô cái). Ai ăn được nhiều quân là thắng. Ai ít quân hơn là thua.
Cách chơi:
Chia đều số quân và quan cho mỗi người : 25 quân và 1 quan. Mỗi quan có giá trị bằng 10 quân.
Đầu tiên mỗi người xếp vào mỗi ô hình chữ nhật của mình 5 quân và 1 quan, sau đó, chơi oẳn tù tì để lựa chọn người được đi trước.
Người chơi đầu tiên bốc quân trong một ô tùy theo sự tính toán của mình rồi rải vào mỗi ô 1 viên theo chiều đi bên phải hoặc bên trái cho đến hết lượt.
Khi rải hết quân trên tay đến đâu thì lại bốc quân của ô kế tiếp để rải. Nếu rải đến ô cuối cùng mà ô kế tiếp là ô quan thì không được đi nữa mà phải nhường quyền cho người đối diện chơi.
Nếu rải đến viên cuối cùng mà gặp ô trống thì được quyền ăn ô tiếp theo của ô trống đó. Nếu tiếp theo ô vừa ăn là ô trống và liền kề lại là ô có quân thì người chơi lại được ăn liên tục một ô nữa (kể cả ô cái), có thể ăn một lúc liên hoàn nhiều ô nếu biết tính toán cách đi thông minh.
Trong khi chơi, nếu những ô trước mặt mình không còn quân nhưng vẫn còn ô quan thì người chơi phải lấy viên của mình ra tiếp tục rải mỗi ô 5 viên để chơi tiếp cho đến khi 2 ô quan bị ăn hết mới coi là kết thúc ván chơi.
Nếu người thiết quân thì phải vay người cùng chơi theo thỏa thuận về cách trả nợ (ví dụ một ô chữ nhật nhỏ của nhà mình sẽ đổi lấy 20 – 30 viên quân).
Cuộc chơi kết thúc khi một bên phải bán hết nhà hoặc không đủ quan để tham gia chơi.
6. Lợi ích khi cho trẻ chơi ô ăn quan
Tổ chức cho trẻ chơi ô ăn quan thu được những lợi ích sau đây
Luyện ngón tay của trẻ và trẻ biết đếm đúng 5 quân đặt vào từng ô.
Rèn khả năng tư duy về toán học của trẻ 5-6 tuổi.
Luyện cho trẻ khả năng phán đoán và tính toán nước cờ.
Giáo dục cho trẻ tính kiên trì, nhẫn nại, cẩn thậna và thật thà khi chơi.
7. Những điều cần chú ý khi chơi ô ăn quan
Để trò chơi diễn ra an toàn và vui vẻ, cần chú ý những điều sau đây:
Chơi ở địa điểm an toàn, tránh lòng đường, công trường, ven ao hồ,…
Thỏa thuận kỹ luật chơi trước khi chơi để tránh tranh cãi khi chơi.
Ô ăn quan là một trò chơi bổ ích, người lớn nên tổ chức cho trẻ chơi để phát triển khả năng tư duy, tính toán, đồng thời xây dựng cho trẻ một kỷ niệm tuổi thơ đẹp và gìn giữ được nét văn hóa của dân tộc.
Thuyết minh về trò chơi ô ăn quan ngắn gọn
Bây giờ nhiều trò chơi của con trẻ ngày xưa không còn nữa. Những trò chơi luyện sức khỏe như đánh khăng, luyện khéo tay như đánh bi, đánh đáo, luyện cho đôi mắt tinh nhanh như rải ranh, chuyền chắt, tất cả không còn thấy chơi. Còn cách chơi thì chắc cũng không còn đứa trẻ nào biết. May ra chỉ còn ở một số vùng nông thôn hẻo lánh. Trong các trò chơi đó, có một trò luyện trí bây giờ cũng không còn, đó là trò chơi ô ăn quan đã rất phổ biến ở các vùng nông thôn.
Cho đến bây giờ trò chơi ấy cũng chưa thấy một nhà nghiên cứu xã hội học nào bàn đến… May mà trò chơi này được họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đưa vào bức tranh lụa nổi tiếng cùng tên nên mọi người còn biết, còn nhớ.
Để chơi trò ô ăn quan, bọn trẻ phải đào trên mặt đất hai hàng lồ song song, mỗi bên 5 lồ là 5 ô ruộng. Còn hai đầu là hai lồ to là hai ô quan. Số hạt sỏi ô quan là 10, ô ruộng là 5. Để giành quyền đi trước phải oẳn tù tì xem ai thắng. Khi đến lượt, người ta bốc sỏi ở ô nhỏ rải theo vòng thuận chiều kim đồng hồ. Rải hết thì bốc sỏi ở ô tiếp theo. Cho đến khi nào tạo ra được một lồ không có viên nào thì được ăn toàn bộ số quân của ô cách đó.
Đứa trẻ nào khôn ngoan biết tính toán chọn ô cất quân mà chén được ô quan đầu tiên là thắng. Bao giờ ô quan cũng có số quân lớn. Lối chơi như thế tưởng như sẽ kéo dài mãi vì để tạo ra được một ô trống trước ô quan không phải chuyện dễ. Vả lại số quân trong tất cả các ô cộng lại là 70, đâu có ít. Vậy mà cũng chỉ vài chục phút, có khi mươi phút đã kết thúc ván chơi nếu biết tính toán chọn ô ruộng để cất quân.
Trong trò chơi này, khi ăn được ô quan kết thúc ván chơi lũ trẻ nào cũng đều thuộc câu: hết quan – tàn dân – thu quân – bán ruộng và bày lại cuộc chơi. Ngẫm lại thấy trò chơi khá giống câu chuyện xã hội. Một xã hội khi quan tan tác thì dân tàn lụi, đó là lúc ngừng cuộc chơi để bày ván khác. Rõ ràng trò chơi ô ăn quan không đơn thuần chỉ là giải trí hoặc rèn luyện cách tính toán mà còn là câu chuyện xã hội, là một lời cảnh báo chứa trong trò chơi mang tính quy luật của mỗi cuộc hành trình.