Trong các trò chơi dân gian của Việt Nam rất có ý nghĩa trong việc rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ mầm non, góp phần hình thành nhân cách văn hóa và bản sắc dân tộc. Nếu bạn là thế hệ thời 8x hay đầu 9x thì chắc chắn sẽ quen thuộc với trò chơi dung dăng dung dẻ, thế nhưng với các thế hệ trẻ em sau đó thì ít biết đến trò chơi dân gian này. Đây là trò chơi dễ đơn giản nhưng lại có tác dụng liên kết các thành viên tham gia rất tốt.
1. Nguồn gốc của trò chơi
Dung dăng dung dẻ là một trò chơi dân gian đồng dao. Trò chơi này có từ lâu đời, không ai biết nó ra đời chính xác từ thời điểm nào. Cách chơi trò này rất dễ với những câu hát đồng dao dễ đọc, dễ thuộc nhịp điệu vui tai nên được trẻ em rất yêu thích.
2. Lứa tuổi, giới tính nào phù hợp chơi?
Dung dăng dung dẻ là trò chơi tập thể dành cho mọi lứa tuổi (chủ yếu là trẻ em), không phân biệt nam nữ.
3. Số lượng người chơi
Trò chơi này cần có từ hai trẻ trở lên vì hai bé phải cùng nắm tay nhau, cùng đọc to bài đồng dao, càng đông càng vui.
4. Nên chơi trò dung dăng dung dẻ ở đâu
Không gian chơi rộng khoảng 20m và bằng phẳng. Càng nhiều người chơi thì cần diện tích rộng hơn.
Nếu ở trường giáo viên nên tổ chức chơi ở ngoài sân trường. Nếu ở nhà không có sân thì người lớn nên tổ chức ở vỉa hè trước cửa nhà hoặc tại sân nhà văn hóa,..
5. Hướng dẫn cách chơi
Chuẩn bị:
Số lượng người chơi từ 2 bé trở lên, có thể có người lớn điều khiển (dạy cách chơi, luật chơi và thực hiện phạt,..)
Diện tích chơi đủ rộng
Đồng dao dung dăng dung dẻ
Lời 1:
“Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Đến cửa nhà trời
Lạy cậu lạy mợ
Cho cháu về quê
Cho dê đi học
Cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp
Ù à ù ập
Ngồi sập xuống đây”
Lời 2:
“Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Đến cửa nhà trời
Tìm nơi gió mát
Cùng hát véo von
Mời ông trăng tròn
Xuống đây với bé
Xì xà xì xụp”
Ngoài ra còn có một bài đồng dao khác:
“Dung dăng dung dẻ (hoặc Xúc xắc xúc xẻ)
Nhà nào còn đèn còn lửa
Mở cửa cho anh em chúng tôi vào?
Bước lên giường cao
Thấy đôi rồng thấp
Bước xuống giường thấp
Thấy đôi rồng chầu…”
Luật chơi trò chơi dung dăng dung dẻ:
Trẻ hát đồng dao, đung đưa tay, bước đúng nhịp bài hát.
Nếu sai nhịp hoặc ngồi xuống không kịp sẽ chịu phạt.
Cách chơi:
Tất cả trẻ nắm tay nhau thành hàng ngang, vừa đi vừa đung đưa tay, bước về phía trước và hát theo lời đồng dao.
Khi hát đến câu “Ngồi sệp xuống đây” thì tất cả cùng ngồi thụp xuống, sau một lát thì đứng dậy chơi tiếp. Ai không ngồi kịp thì bị phạt.
Khi hát đến câu cuối bài đồng dao dung dăng dung dẻ tất cả cùng ngồi xuống
Khi hát đến câu cuối cùng tất cả cùng ngồi xuống
6. Ý nghĩa của trò chơi
Trẻ được hoạt động tập thể, vận động nhẹ nhàng đôi tay và thân thể.
Giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, nhớ lời đồng dao và đọc đúng nhịp của bài đồng dao.
7. Những điều cần chú ý khi chơi
Trò chơi này dễ chơi, bài đồng dao dễ nhớ, dễ thuộc nên khi chơi không phải chú ý nhiều đến kỹ thuật. Tuy nhiên, người lớn cần chú ý chọn chỗ chơi an toàn, không chơi ở đường đi lại, không có vật nguy hiểm xung quanh.
Hiện nay, các bé thường không có chỗ chơi những trò chơi dân gian, ít cơ hội gặp bạn bè mà ngoài đi học thì chỉ ở trong nhà, không đi đâu. Các phụ huynh nên chủ động tổ chức các trò chơi để bé có thêm nhiều kỷ niệm tuổi thơ vui vẻ bên bạn bè.