Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ trên toàn thế giới, nhưng nguồn nhân lực công nghệ có trình độ và kỹ năng lại không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bởi vậy, giáo dục STEM được quan tâm bởi các quốc gia đã và đang phát triển trong những năm gần đây. Vậy STEM là gì? Chúng ta có nên áp dụng phương pháp giáo dục này cho con hay không? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!
GIÁO DỤC STEM LÀ GÌ?
STEM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), và Mathematics (Toán học). Đúng như tên gọi đó, về bản chất, phương pháp giáo dục STEM trang bị cho các bé những kiến thức và kỹ năng liên quan đến lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, và Toán học. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây là thay vì được giảng dạy một cách rời rạc bằng năm môn học khác nhau, những kiến thức và kỹ năng này sẽ được truyền tải và tiếp cận theo hướng liên ngành (interdisciplinary), tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau, giúp các em học sinh không những hiểu nguyên lý mà còn áp dụng được trong thực tế.
Cụ thể, từng kỹ năng STEM được hiểu như sau:
- Kỹ năng Khoa học: Các bé được trang bị kiến thức về khái niệm, nguyên lý, định luật và cơ sở lý thuyết của khoa học như vật lý và hóa học. Từ đó, các em có khả năng liên kết những kiến thức này để thực hành và có tư duy để áp dụng những kiến thức đó khi giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Ví dụ, khi học về khúc xạ ánh sáng, các em có thể giải thích được vì sao có cầu vồng.
- Kỹ năng Công nghệ: Kỹ năng công nghệ ở bước ban đầu là khả năng hiểu biết, sử dụng và quản lý công nghệ, sau đó, khi kỹ năng phát triển dần nhờ học hỏi và luyện tập, các em học sinh có thể tự sáng tạo và phát triển công nghệ. Công nghệ là những vật dụng hàng ngày xung quanh bé như cái quạt, cái điện thoại, cái máy hút bụi, hay những hệ thống phức tạp hơn như mạng lưới điện, vệ tinh, …. Nói cách khác, tất cả những vật dụng hay hệ thống mà con người phát minh ra để phục vụ nhu cầu của con người thì gọi là công nghệ.
- Kỹ năng Kỹ thuật: Các em hiểu được phương thức và quy trình sản xuất ra sản phẩm. Để làm được điều này, các em học sinh phải có khả năng phân tích và tổng hợp nhiều kiến thức ở lĩnh vực khác nhau (như khoa học, nghệ thuật, công nghệ, vv) để có thể đưa ra được một giải pháp tối ưu trong thiết kế và xây dựng quy trình.
- Kỹ năng Toán học: Là khả năng nhìn nhận và nắm bắt được vai trò của toán học trong mọi khía cạnh cuộc sống. Các bé có kỹ năng Toán học thông thường sẽ có tư duy logic, khả năng thể hiện các vấn đề một cách chính xác và áp dụng các khái niệm toán học vào thực tiễn.
ƯU ĐIỂM CỦA PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC STEM
Phát triển tư duy logic và sáng tạo
Mục đích chính của phương pháp giáo dục STEM không phải là để đào tạo những nhà toán học, nhà khoa học, kỹ sư hay những kỹ thuật viên, mà là truyền cảm hứng học tập cho trẻ thông qua việc kết hợp giáo dục và thực hành, kích thích sự tò mò, sáng tạo và bay bổng trong mỗi đứa trẻ.
Phát triển kỹ năng mềm
Viện nghiên cứu SRI International và Quỹ từ thiện Carnegie Melon Foundation đã tiến hành phỏng vấn khảo sát các CEO trong danh sách Fortune 500 và chỉ ra rằng kỹ năng mềm quyết định 75% sự thành công của những người thành đạt. Trong khi đó, dù đã trải qua nhiều cải cách, giáo dục Việt Nam vẫn đặt nặng việc trang bị lý thuyết và kiến thức hơn phát triển kỹ năng mềm ở trẻ. Để giải quyết vấn đề này, với những bé được tiếp xúc với phương pháp giáo dục STEM từ khi còn nhỏ, các em sẽ được luyện tập khả năng giải quyết vấn đề, khả năng đưa ra quyết định, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, … khi các em được thực hành những lý thuyết khoa học, kỹ thuật và toán học.
Vừa học vừa chơi
Các dự án STEM (STEM projects) như thí nghiệm sự kết hợp của màu sắc (Walking rainbow), làm máy hút bụi, làm kính vạn hoa, … vừa giúp các em hiểu được lý thuyết vật lý, hóa học, cấu tạo của máy móc, ... , vừa là những hoạt động cực kỳ thú vị và vui vẻ để các bé có thể thực hiện cùng bố mẹ vào cuối tuần.
Nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai
Đi đầu trong việc thúc đẩy hệ thống giáo dục STEM là Mỹ. Năm 2018, Nhà Trắng đã chính thức thông báo kế hoạch chiến lược 5 năm về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM) với tên gọi “Sao Bắc Đẩu”. Kế hoạch này nhắm vào ba mục tiêu cơ bản cần thúc đẩy về STEM: (1) phổ cập STEM tới mọi công dân Mỹ để đáp ứng sự thay đổi công nghệ (2) Tăng khả năng tiếp cận STEM cho sinh viên (3) khuyến khích học sinh theo đuổi nghề STEM. Cụ thể, sinh viên du học tại Mỹ khối ngành STEM sẽ được ở lại làm việc 3 năm theo chương trình OPT (Optional Practical Training)
Thí nghiệm Cây cầu cầu vồng (Walking rainbow)
NÊN BẮT ĐẦU PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC STEM CHO CON TỪ KHI NÀO?
Theo tiến sỹ Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Trưởng Khoa Giáo dục Mầm non, Đại học Thủ đô, giáo dục STEM được nhắc đến nhiều ở Việt Nam, nhưng các bậc phụ huynh vẫn có tư tưởng cho rằng đó là chương trình giáo dục phức tạp và xa vời. Thực tế không phải vậy. STEM đơn giản là việc dạy cho trẻ hiểu bản chất của các sự vật và hiện tượng bằng những minh họa thực tế. Ví dụ khi dạy về nguyên tắc phối màu, thì có thể cho bé dùng màu thực phẩm để bé thực hiện thay vì chỉ cho bé nhìn hình ảnh. Do đó, STEM thực tế rất gần gũi và bé có thể được tiếp cận từ chính bố mẹ và các thành viên trong gia đình khi ở nhà.
Chính vì sự gần gũi và đơn giản đó, tiến sĩ Diana Wehrell - Grabowski, Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Giáo dục Mobile Science cho rằng độ tuổi lý tưởng để bắt đầu áp dụng phương pháp giáo dục STEM cho trẻ là lứa tuổi mầm non. "Trẻ con luôn tò mò nên các em là những nhà khoa học bẩm sinh. Vì thế, học STEM tốt nhất từ lứa tuổi mầm non và nhà giáo phải hiểu điều này để có phương pháp giáo dục phù hợp", tiến sĩ Diana cho hay.
NÊN TÌM HIỂU CÁC DỰ ÁN STEM CHO BÉ Ở ĐÂU?
Hiện nay có rất nhiều nguồn đáng tin cậy hướng dẫn các em thực hiện các dự án STEM (STEM projects).
- Trang Stem learning: http://www.stem.org.uk/ với nhiều tư liệu giáo dục STEM từ tiểu học tới cấp 3 theo từng chủ đề.
- Trang BuggyandBuddy (http://buggyandbuddy.com/) với nhiều hướng dẫn tự làm (diy) các vật dụng thú vị và đặc sắc, phù hợp với lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học
- Trang Hộp Tò Mò (http://hoptomo.vn): các diy kits hay nguyên vật liệu thực hiện các dự án STEM sẽ được gửi tới các bé hàng tháng để bố mẹ và bé thỏa sức khám phá. Hộp Tò Mò phù hợp cho lứa tuổi 2- 13 tuổi.
Bố mẹ hãy đồng hành cùng trường học để trẻ vừa được trải nghiệm những kiến thức thực tiễn vừa lớn khôn và trưởng thành nhé!
Nguồn:
Havard University (2017) Golden age for team player. [online] Available at: https://news.harvard.edu/gazette/story/2017/10/social-skills-increasingly-valuable-to-employers-harvard-economist-finds/ (truy cập ngày 16/10/2019)
The White House (2018). Charting a course for success: American’s strategy for STEM Education. [online] Available at: https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2018/12/STEM-Education-Strategic-Plan-2018.pdf (Truy cập ngày 16/10/2019)
Báo Giáo dục Việt Nam (2017). STEM, STEAM và cách học của trẻ mầm non [online] Available at: https://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/STEM-STEAM-va-cach-hoc-cua-tre-mam-non-post178262.gd (Truy cập ngày 16/10/2019)